Những tháng gần đây, việc hóa đơn tiền điện tăng nhiều lần là mối quan tâm của nhiều người. Để giảm chi phí sử dụng điện, một số hộ gia đình đã tìm và mua dùng các thiết bị tiết kiệm điện.
Trên các trang thương mại điện tử, mặt hàng thiết bị tiết kiệm điện được bán khá nhiều, đa dạng về mẫu mã. Các loại thiết bị này hấp dẫn người mua với lời quảng cáo tiết kiệm 25%-50% lượng điện tiêu thụ hằng tháng.
Gắn thiết bị, tiền không giảm mà còn tăng
Tiền điện liên tục tăng 200.000-500.000 đồng/tháng khiến chị Phan Thị Hoa (quận 1, TP.HCM) lo lắng. Nghe bạn bè giới thiệu, chị lên các trang mạng tìm mua thiết bị tiết kiệm điện để mong giảm chi phí sinh hoạt của gia đình.
Chị Hoa cho biết sau khi tham khảo, chị đã tìm được khá nhiều loại sản phẩm với nội dung quảng cáo là các thiết bị này chỉ cần cắm vào ổ điện là tiết kiệm 25%-50% lượng điện hằng tháng.
Để thuyết phục khách hàng, người bán còn đăng tải các video sử dụng thực tế với nội dung chỉ cần cắm thiết bị tiết kiệm vào ổ điện đang sử dụng quạt, đèn… thì ngay lập tức chỉ số điện tiêu thụ đo được qua amphe đã giảm đi một nửa.
“Thấy sản phẩm tiết kiệm điện quảng cáo kiểu “nói có sách, mách có chứng” nên tôi tin ngay và đặt mua hàng. Tuần sau tôi nhận được sản phẩm, giá mua là 285.000 đồng. Tuy nhiên, sau một tháng sử dụng thì tôi thấy hiệu quả không như quảng cáo mà còn phải trả nhiều tiền hơn” - chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, do cứ nghĩ lượng điện sẽ giảm như quảng cáo, gia đình chị xài thoải mái, máy lạnh, quạt máy mở thả ga. Đến khi nhận hóa đơn mới tá hỏa, tiền tăng gấp đôi tháng trước. Ngay sau đó gia đình chị bỏ luôn, không dám xài thiết bị này nữa.
Không chỉ có trường hợp của chị Hoa, nhiều bạn đọc cũng phản ánh việc mua các thiết bị tiết kiệm điện về dùng nhưng kết quả không như mong đợi.
Một người dân mua thiết bị tiết kiệm điện về gắn tại nhà mình. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Xem xét cấu tạo hộp tiết kiệm điện, GS-TS Lê Tiến Thường khẳng định đây chỉ là thiết bị điện bình thường. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Giảm 25%-50% lượng điện là điều không thể
Để làm rõ thực hư công dụng của thiết bị trên, chúng tôi đã tìm mua một hộp tiết kiệm điện để nhờ chuyên gia kiểm chứng.
Khá bất ngờ khi sản phẩm được giao chỉ là một hộp nhựa, bên ngoài có đèn LED và chốt cắm cùng với một giấy hướng dẫn sử dụng chỉ viết toàn tiếng Anh. Bao bì sản phẩm không ghi nơi sản xuất lẫn các thông số kỹ thuật.
Sau khi xem xét cấu tạo trong ngoài hộp tiết kiệm điện được chúng tôi mang đến, GS-TS Lê Tiến Thường, giảng viên Khoa điện - điện tử, ĐH Bách Khoa TP.HCM, khẳng định lời quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện có khả năng giảm 25%-50% lượng điện tiêu thụ là điều không thể.
“Thiết bị chỉ có vài dây điện, điện trở, các tụ nhỏ và đèn LED được lắp ghép khá đơn giản. Với kết cấu này thì đây chỉ là thiết bị điện bình thường, không có khả năng tiết kiệm điện” - GS Thường nhấn mạnh.
Theo GS Thường, thiết bị tiết kiệm điện hay còn gọi là tụ bù được hoạt động trên nguyên tắc giảm tối thiểu công suất vô ích phát sinh trong quá trình sử dụng thiết bị điện. Về lý thuyết và cả ứng dụng thực tế, các tụ bù chỉ mới tiết kiệm trên dưới 10% lượng điện tiêu thụ, đây đã là mức đối đa.
Tuy nhiên, các tụ bù cũng hoạt động dựa trên điện năng nên vẫn phải tiêu tốn một lượng điện nhất định. Vì vậy, việc sử dụng các tụ bù chỉ phù hợp trong các doanh nghiệp, phân xưởng sản xuất công nghiệp.
Trong hộ gia đình, người dân nên sử dụng các thiết bị điện có gắn sẵn nhãn xanh tiết kiệm điện, vì trong chính các sản phảm này đã có lắp đặt các tụ bù tiết kiệm điện. Đồng thời, người dân nên xây dựng thói quen tiết kiệm điện.
“Người dân cần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, chứ không nên trông chờ vào cái gọi là thiết bị tiết kiệm điện. Việc sử dụng các tụ bù không rõ nguồn gốc, không rõ thông số kỹ thuật cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, rủi ro về điện” - GS Thường khuyến cáo.
EVN cảnh báo về thiết bị tiết kiệm điện Trước tình trạng người dân nhiều nơi tìm mua các thiết bị tiết kiệm điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra lời cảnh báo về sự thật các thiết bị tiết kiệm điện đến người dân. Tại cảnh báo, EVN khẳng định qua kiểm chứng thực tế cho thấy các thiết bị tiết kiệm điện hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy. Các thiết bị trên không được Bộ KH&CN, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. |