Thậm chí, có những khu vực người dân sống trong khu quy hoạch lâu đến vài chục năm, có đất rộng bao la nhưng không có nhà để ở, đành cam chịu và bất lực.
Tại TP.HCM, từ năm 2013 đã phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 với khoảng 600 đồ án. Trong 10 năm qua, TP.HCM đã rà soát, điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ nhiều quy hoạch không khả thi để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp về nhà đất cho người dân.
Liên quan đến việc giải quyết chính sách đất đai cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, chính quyền TP cũng từng ban hành các quyết định 27/2014 và 26/2017, cho phép người dân được xây dựng có thời hạn trong thời gian quy hoạch chưa được triển khai để tháo gỡ phần nào khó khăn cho người dân.
Để thực hiện được các quyết định này cũng phải đi kèm rất nhiều điều kiện như: Phải là khu vực chưa có thông báo/quyết định thu hồi đất, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm; phải là công trình/nhà ở có sẵn chứ không được xây dựng trên đất trống dù là đất ở…
Nhìn những điều kiện đi kèm cũng có thể thấy quyền lợi của người dân chỉ được giải quyết một phần, còn nhiều quyền lợi cơ bản như chuyển mục đích, tách thửa thì vẫn đang bị cấm. Tuy nhiên, dù sao có vẫn tốt hơn không.
Trong nhiều năm qua, dù quy định đã có nhưng không hẳn khu vực nào nguyện vọng của người dân cũng được giải quyết. Hoặc có những khu vực, dù quy hoạch không khả thi nhưng dự án lúc nào cũng được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Vì vậy, người dân cũng chỉ biết chờ đợi mỏi mòn.
Việc huyện Nhà Bè đưa hai dự án trong quy hoạch Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm và giải quyết cho người dân xây dựng tạm cho thấy động thái quyết liệt của huyện này. Hai dự án có tổng quy mô hơn 777 ha, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân, chủ đầu tư không triển khai thì buộc phải đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất chứ không vì thế mà giam quyền lợi của người dân.
Còn 83 ha đất trong khu đô thị Hiệp Phước, nếu điều chỉnh thành đất dân cư hiện hữu thì không chỉ 1.000 mà tới hàng ngàn hộ dân được khôi phục hoàn toàn các quyền lợi về nhà đất. Dân không chỉ được xây nhà mà còn được chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng chính thức, hợp thức hóa nhà đất… Giải quyết được vấn đề này, chắc chắn sẽ là một quyết định nhân văn và rất đáng để chờ đợi.
Không chỉ riêng Nhà Bè mà trong khu đô thị Tây Bắc TP cũng tương tự. Trước đây, TP cũng đã có chủ trương điều chỉnh hơn 1.700 ha đất trong khu đô thị này thành đất dân cư hiện hữu để trả lại quyền lợi cho hàng chục ngàn dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều chỉnh cũng chưa xong. Chính quyền chậm điều chỉnh ngày nào thì dân còn khổ ngày ấy.
Qua sự việc trên cho thấy việc đưa vào kế hoạch sử dụng đất cũng là chính quyền, đưa ra khỏi kế hoạch này cũng chính là chính quyền. Nơi nào chính quyền quyết liệt hơn thì chắc chắn nơi đó dân sẽ được nhờ!