Con đường mới đến 'ngôi trường cổ tích' ở Tăk Pổ

Lời tòa soạn: 
Năm 2019, làng Tăk Pổ (thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) được biết đến với lễ khai giảng năm học đậm chất trong trẻo, mộc mạc, trang nghiêm giữa đồi núi  phủ mây với hình ảnh cô giáo Trà Thị Thu cùng đồng nghiệp, một anh trưởng làng và 34 em học sinh. Nhiều người gọi đó là "ngôi trường cổ tích". Ít ai biết để đến điểm trường, các em phải băng rừng lội suối vì chưa có đường đi. Nay, con đường mới vào làng đã được mở, cô giáo Trà Thị Thu gửi đến PLO tin vui này để chia sẻ với bạn đọc gần xa. 

Cuộc sống ở Tăk Pổ  vô vàn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, từ cái ăn, cái mặc, cả con đường đi bằng xe máy cũng không có. Từ khi hình ảnh điểm trường Tăk Pổ được chia sẻ, nhiều mạnh thường quân quan tâm, ghé thăm và hỗ trợ.

Tôi nhớ tháng 9-2019, các nhà báo, mạnh thường quân có hỏi tôi ước mong điều gì với nơi này? Lúc đó, tôi đã thẳng thắn đáp: “Tôi ước có một con đường có thể chạy xe máy”. Tôi ước đó nhưng chỉ nói cho qua chuyện chứ không dám nghĩ nhiều.

Hình ảnh lễ Khai giảng mộc mạc năm học 2019 – 2020

Các em học sinh băng rừng để đến trường

Cô giáo Trà Thị Thu và các em nhỏ trong ngày khai trường ở làng Tăk Pổ đã từng gây cảm xúc với cộng đồng mạng

Người dân đi trên con đường mới mở vào làng.

Tôi không dám ước mơ nhiều bởi lẽ tôi chứng kiến bà con ở làng Tăk Pổ phải lội bộ theo đường mòn ven rừng hai giờ đồng hồ với những con dốc dựng đứng. Họ cõng muối, cõng cá khô về bản rồi lại cõng chuối, rau rừng đi bán. Các em học sinh, có em chỉ mới lớp 3, 4 đã phải băng rừng dưới tán cây đi học tận dưới trung tâm xã Trà Tập. Để có được con đường nơi địa hình đồi núi cheo leo này là rất khó khả thi.

Vậy mà, đến nay, con đường đất đỏ đã được mở rộng thênh thang, dẫn vào làng Tăk Pổ...

Từ tháng 10-2020, con đường đến làng Tăk Pổ đã được phóng tuyến và mở rộng. Nhiều nhà dân đã dành dụm tiền mua được chiếc xe máy cũ vài triệu đồng để đi lại. Cuộc sống của họ bớt đi phần nào gian nan, buôn bán đi lại thuận tiện hơn, nhiều em học sinh đã được ba mẹ đưa đón đi học bằng chính chiếc xe họ mua… Con đường đất đang được tiếp tục nâng cấp bằng bê tông.

Có đường mới, ông Hồ Văn Giáp hồ hởi vận chuyển vật liệu về làng.

Vậy là điều ước ấy đã thành hiện thực, tôi hạnh phúc hơn khi thấy bà con ở làng nơi tôi công tác ngày càng phát triển. Chúng tôi đi dạy cũng nhẹ lòng đi phần nào.

Ông Hồ Văn Giáp, một trưởng làng cũ của làng Tăk Pổ phấn khởi nói: “Chúng tôi thật sự không dám ước mơ quá nhiều về một con đường bê tông hóa, chỉ dám ước Nhà nước mở được con đường để bà con đi lại, buôn bán thuận tiện hơn. Thế nhưng, mọi thứ đến với Tăk Pổ quá tuyệt vời, con đường rộng mở, đang được bê tông hóa, mọi thứ đối với chúng tôi dễ dàng hơn”.

Con đường dẫn vào làng Tăk Pổ đang được làm bê tông.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, cho biết: “Đầu năm 2020, khi bắt đầu có chủ trương của Huyện Ủy, UBND huyện Trà My, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã đã tiến hành họp lấy ý kiến nhân dân về đầu tư mới con đường đi làng Tâk Pổ. Trong cuộc họp có rất nhiều ý kiến đưa ra về các vấn đề khác nhau, nhưng với tinh thần quyết tâm, sự chỉ đạo định hướng của chính quyền địa phương thì đến cuối cuộc họp, nhân dân đã thống nhất cao phương án làm đường đi làng Tăk Pổ”.

Cũng theo ông Cường, quá trình thi công tuyến đường gặp rất nhiều khó khăn, bởi địa hình nơi đây quá phức tạp, trên là núi cao, dưới là khe sâu, thường xuyên có mưa gió, dễ sạt lỡ, độ dốc của sườn đồi lớn.

Ngoài ra, việc thi công giữa rừng núi nên vấn đề đi lại của xe cộ, ăn ở và sinh hoạt cho công nhân hết sức khó khăn. Việc mở đường mới ảnh hưởng rất lớn đến cây cối, hoa màu của nhân dân, đặc biệt là các loại cây có giá trị cao như (cây sâm nam, quế Trà My, giổi xanh...) đã được nhân dân trồng nhiều năm nay và sắp đến ngày thu hoạch.

Học sinh đã có đường để đi học, không phải băng rừng như trước.

Mở đường mới phải thu hồi phần đất rất lớn của nhân dân, tuy ban đầu người dân còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng về sau thì 100% hộ dân đều hiến đất làm đường và không đòi hỏi gì thêm. Dự định trong năm 2022 này, con đường đến làng Tăk Pổ bằng bê tông sẽ được làm xong. 

Tôi được biết ngoài con đường đến làng Tăk Pổ, UBND xã Trà Tập dự định mở thêm những con đường đến các làng ở thôn 2 như làng Lấp Loa, làng Măng Ổi... của xã Trà Tập trong những năm tới. Hi vọng sẽ có các nguồn lực hỗ trợ để có thể sớm mở cho bà con nhân dân có con đường đi lại, buôn bán phát triển và thuận tiện hơn.

Tôi không còn nhìn thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt các em học sinh sau nhiều giờ băng rừng đến trường, thay vào đó là những gương mặt rạng ngời vui tươi, những ánh nhìn hy vọng. Tôi đang mơ về con đường học vấn của các em, chắc chắn từ con đường này, các em sẽ đi xa hơn, tiến xa hơn...

Sau khi dậy sóng trên mạng xã hội với hình ảnh cô trò trong ngày khai giảng trong trẻo giữa núi rừng, cô Trà Thị Thu được biết đến là một trong những người trẻ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây. Cô đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời ra Hà Nội tôn vinh là nhân vật truyền cảm hứng của giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục 2020 (tác phẩm "Ngày khai giảng trong trẻo trên đỉnh Ngọc Linh" mà cô Thu là một trong hai nhân vật chính đã được trao giải nhất và giải đặc biệt).
Cô Thu là nhà giáo trẻ tuổi nhất trong các nhà giáo tiêu biểu của cả nước năm 2020 được Đảng, Nhà nước mời ra Hà Nội tuyên dương. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm