Mẹ đã quen với việc chúng con răm rắp nghe theo lời mẹ, tuân theo mọi quyết định của mẹ rồi. Vậy nên lựa lúc nào mẹ vui, con mới chỉ nhỏ nhẹ xin được thi ngành yêu thích đã bị mẹ gạt phăng. Rồi mẹ dọa con mà cãi lời mẹ sẽ cắt viện trợ, phải tự nuôi miệng, tự đóng học phí. Mẹ bảo nếu tự thân vận động được thì cứ cãi bố mẹ, khó khăn đừng quay ra dựa dẫm bố mẹ nữa. Tại sao được sống với sở trường, lý tưởng của mình với con khó quá vậy?
Lúc nào mẹ cũng bảo con nông nổi, bồng bột, không biết đúng sai, rằng “cá không ăn muối cá ươn...”. Mẹ bảo con làm mẹ thất vọng vì dám cãi lời mẹ. Lúc nào mẹ cũng cho rằng phải định hướng cho con để con đỡ lạc đường. Trong khi bạn bè đang lựa chọn ngành thi đại học, ôn thi tấp nập thì con luôn mang trong mình một nỗi lo riêng. Mẹ đâu biết rằng con không phải đứng ở ngã ba đường để chọn lựa theo ý thích mà băn khoăn khi phải đối mặt với một nỗi lo mang tên: quyết định của mẹ!
Rồi mẹ tính toán làm kinh tế nhẹ nhàng, đỡ cực lại lương cao, cơ hội nhiều. Mẹ còn cho rằng nếu con thi vào kỹ sư xây dựng sẽ phải “bán sức” mình để lấy những đồng tiền rẻ mạt. Mẹ bảo một người bạn đồng nghiệp rỉ tai mẹ rằng thi vào kinh tế ít nữa có “chỗ đứng” rồi. Mẹ còn bảo nhìn dáng thư sinh của con thì chẳng hợp với công việc phải ra công trường đội nắng đội mưa. Mẹ luôn kết lại một câu chắc nịch: “Con cãi lời thì đừng có mẹ con gì nữa”.
Bài học từ chị gái vẫn còn đó nhưng mẹ không chịu nhìn vào. Chị cũng từng phải từ bỏ ước mơ cô giáo để thi vào ngành kinh tế theo lời bố mẹ. Để rồi sau đó chị như người “ngồi nhầm lớp”.
Càng gần đến ngày thi đại học, số lần mẹ chấn chỉnh con càng nhiều, những lời than thở càng dày đặc, con càng hoang mang vì những định hướng của mẹ. Lần đầu tiên con cãi lời mẹ, mẹ cho rằng con nổi loạn. Có thể trong mắt mẹ, con không còn là đứa con dễ bảo như trước, nhưng dù thế nào thì con không muốn mình lại bước chân sai lầm như chị, không muốn ngồi nhầm lớp. Nếu đọc được những dòng tâm sự này, mong mẹ hãy hiểu cho con...
Theo LONG HẢI (TTO)