KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN (13-9-1945 – 13-9-2024)

Con người tốt, công lý sẽ tốt!

(PLO)- Cơ sở vật chất chưa tốt nhưng con người tốt, công lý sẽ tốt; ngược lại, văn bản tốt, cơ sở vật chất tốt nhưng con người chưa tốt, công lý sẽ khó tốt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
P9_Do-Van-Dai.jpg

Tác giả, GS-TS Đỗ Văn Đại hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Từ khoảng 10 năm nay, tòa án là một trong ba đơn vị tôi thường xuyên làm việc bên cạnh Trường ĐH Luật TP.HCM và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

P9_anh-thay.jpg
Vai trò cốt lõi của tòa án là đưa ra các phán quyết tiệm cận với công lý.
Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Luật hóa án lệ

Nhiều năm làm việc, tôi có nhiều kỷ niệm với ngành tòa án và tôi nhớ mãi kỷ niệm vào năm 2014 dù đã diễn ra từ lâu. Đó là việc luật hóa án lệ.

Vào năm 2014, chúng tôi muốn đưa vấn đề án lệ vào BLDS; tuy nhiên việc này gặp ngay phản đối của nhiều luật sư (LS), có cả những LS am hiểu hệ thống thông luật rất mạnh về án lệ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thành công bằng việc ghi nhận vai trò của án lệ tại Điều 6 BLDS năm 2015. Việc này một phần do Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã ghi nhận chính thức cụm từ án lệ, vai trò của tòa án trong việc phát triển án lệ. Từ đó, TAND Tối cao đã ban hành khoảng 70 án lệ (chủ yếu về pháp luật dân sự theo nghĩa rộng), thường xuyên được áp dụng.

Và cho tới nay, rất nhiều LS đã ủng hộ phát triển án lệ ở Việt Nam. Khi biết tôi là thành viên của Hội đồng tư vấn án lệ TAND Tối cao và hằng năm đề xuất thành công án lệ, nhiều LS đã đề xuất cần thêm nhiều án lệ nữa. Với án lệ, tình trạng “xử sao cũng được” dần dần được hạn chế, do khi tình huống tương tự với án lệ thì không thể xử khác được.

Người dân khó đáp ứng mức lãi cao tới 60%/năm

Nội dung của Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP là nỗi trăn trở của tôi. Với quy định này, tòa án vẫn thường xuyên chấp nhận mức lãi suất rất cao mà tổ chức tín dụng đưa vào hợp đồng như mức lãi suất lên tới 60%/năm.

Điều này không tốt cho người dân, khó ai có thể đầu tư với lợi nhuận cao để đáp ứng mức lãi như vậy.

Tôi cũng có chút buồn khi xây dựng Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng. Tôi là thành viên tổ biên tập, chuyên gia tham gia chỉnh sửa dự thảo BLDS năm 2015 sửa đổi và tham gia tích cực vào xây dựng khoản 1 Điều 468. Theo đó, “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.

Khi được mời tham gia với vai trò tư vấn cho việc xây dựng nghị quyết trên, tôi đã khẳng định và đề xuất tòa án theo hướng mức lãi trần này áp dụng cho cả vay tín dụng (đó cũng là hướng mà Ủy ban Pháp luật của QH thể hiện trong một văn bản gửi TAND Tối cao).

Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán theo hướng khác vì nghị quyết quy định: “Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 để xác định lãi, lãi suất”.

Nữ thần công lý không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố từ bên ngoài nào, nhất là yếu tố vật chất. Tôi hy vọng rằng biểu tượng nữ thần công lý và thực tế tại tòa án đồng nhất với nhau.

Những kỳ vọng đối với ngành tòa án

Ngành tòa án đã có rất nhiều thay đổi với Hiến pháp năm 2013. Thực tế là cơ sở vật chất của ngành tòa án được đầu tư nhiều, quyền tư pháp đã được tăng đáng kể và nhiều thể chế liên quan đến tòa án đã được thay đổi.

Luật Tổ chức TAND mới được sửa đổi năm 2024 cũng có nhiều điểm tích cực cho thẩm phán như bổ nhiệm lần thứ hai có thời hạn đến khi nghỉ hưu hay được miễn trách nhiệm khi đang thực hiện công việc xét xử. Đó là những điểm sáng rất đáng mừng cho ngành tòa án.

Vai trò cốt lõi của tòa án là đưa ra các phán quyết nhưng chất lượng phán quyết và niềm tin của người dân vào phán quyết lại không lệ thuộc vào các tòa nhà nguy nga, vào những câu nói hay. Báo chí và dư luận vẫn đặt vấn đề về những vụ, việc tiêu cực xuất hiện trong công tác xét xử tại tòa án. Đây là yếu tố con người và là điểm cần đầu tư trong tương lai. Thực tế văn bản, cơ sở vật chất chưa tốt nhưng con người tốt, công lý sẽ tốt; ngược lại, văn bản tốt, cơ sở vật chất tốt nhưng con người chưa tốt, công lý sẽ khó tốt.

Thực tế biểu tượng của nữ thần công lý mà cả thế giới biết đến là một phụ nữ bịt mắt. Biểu tượng này thể hiện tư tưởng theo đó người phán xét phải vô tư, khách quan, theo nhận thức riêng của mình về đúng, sai, tốt, xấu mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố từ bên ngoài nào, nhất là yếu tố vật chất. Tôi hy vọng rằng biểu tượng như vậy và thực tế tại tòa án đồng nhất với nhau. Lúc đó niềm tin vào công lý của người dân sẽ cao và đó là điều tôi kỳ vọng cho tương lai với ngành tòa án.

Nhân dịp Ngày truyền thống ngành tòa án, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và thành công tới toàn bộ cán bộ, công chức ngành tòa án.•

Tôi đã gặp nhiều HĐXX rất công tâm

Nhiều năm hành nghề, tôi đã gặp nhiều HĐXX rất công tâm, đúng pháp luật, đôi khi còn đưa ra những phán quyết vượt ngoài mong đợi của LS. Việc này xuất phát từ sự công tâm, mạnh dạn trong bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải của tòa.

IMG_20240913_054001.jpg
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam

Riêng đối với việc tranh luận, tòa đã tạo điều kiện để LS trình bày tất cả lập luận. Có những vụ HĐXX cho rằng lập luận của LS có vẻ trùng, lặp lại, không đúng trọng tâm nhưng khi LS giải thích thì HĐXX đã chấp nhận để LS được tiếp tục trình bày, thực hiện tốt vai trò LS, trách nhiệm đối với thân chủ.

Tôi còn nhớ tại một phiên tòa, do trái quan điểm nên đại diện VKS đã thể hiện “không chuẩn mực” với LS. Ngay lập tức, HĐXX đã chấn chỉnh đại diện VKS. Phiên tòa đó, các bên đều được tranh luận thoải mái trong khuôn khổ của pháp luật. Điều này cho thấy sự tôn trọng của tòa đối với LS và sự văn minh trong văn hóa pháp đình.

Bên cạnh đó, có nhiều vụ án VKS không đồng tình với quan điểm của LS nhưng HĐXX vẫn khách quan, công tâm chấp nhận quan điểm của LS. Và nếu như trước đây, luận cứ của LS được ghi nhận rất ít trong bản án thì hiện nay tòa ghi nhận rất đầy đủ quan điểm bào chữa, bảo vệ của LS cho dù chấp nhận hay không chấp nhận. Và có những bản án, HĐXX đã đưa ra những lập luận phản bác từng lập luận của VKS hay LS. Điều này giúp cho bản án ngày càng có sức thuyết phục cao, thể hiện bản lĩnh của người nắm giữ cán cân công lý.

Tôi có hai kỳ vọng với hệ thống tòa án. Thứ nhất, để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cho nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án, góp phần đảm bảo việc xét xử đúng đường lối, chính sách và pháp luật, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, hội thẩm nhân dân cần mạnh dạn thể hiện quan điểm trong quá trình xét xử để cùng với các thành viên khác đưa ra được phán quyết hợp tình, hợp lý. Song song đó, cần nâng cao trách nhiệm của hội thẩm nếu bản án bị hủy, sửa.

Thứ hai, tôi mong rằng tòa án áp dụng mạnh dạn lẽ công bằng và tập quán trong việc xét xử các vụ án dân sự để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của người dân. Lẽ công bằng hay tập quán sẽ tạo ra tính đột phá trong giải quyết vụ án. Ngoài ra, tôi mong rằng tòa án luôn tạo điều kiện cho LS hành nghề trong khuôn khổ pháp luật.

LS TRỊNH VĂN HIỆP, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm