Con ruột của bị hại kêu oan cho bị cáo

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 diễn ra hôm qua (20-2) ở TAND tỉnh Hà Nam, con gái ruột của ông Nguyễn Thế Hanh, nạn nhân (đã chết) trong vụ án Nguyễn Hữu Liêm cố ý gây thương tích, tiếp tục kêu oan cho bị cáo.

Chết rồi mới biết chấn thương sọ não

Theo cáo trạng, ngày 15-9-2010, Nguyễn Hữu Liêm (nguyên cán bộ Phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh Cao Bằng) chở bà Nguyễn Thị Ngân bằng xe ô tô trên đường phố TP Phủ Lý, Hà Nam. Khi đang đi thì bất ngờ bị ông Hanh (chồng cũ của bà Ngân, đã ly dị) đi xe máy chặn lại hành hung. Giữa hai bên đã xảy ra xô xát nhưng được người đi đường ngăn lại. Sau đó mỗi người ai về nhà nấy.

Hôm sau, ông Hanh vào BV Đa khoa tỉnh Hà Nam để điều trị căn bệnh suy thận theo định kỳ rồi xuất viện vào ngày sau đó. Tuy nhiên, qua hai ngày sau, ông Hanh đột ngột qua đời.

Bị cáo Nguyễn Hữu Liêm tại phiên tòa. Ảnh: ND 

Cơ quan giám định của Công an tỉnh Hà Nam xác định ông Hanh tử vong do “chấn thương sọ não kín, tụ máu dưới màng cứng, chèn ép các trung tâm sống. Trên cơ thể nạn nhân bị suy thận mạn tính”.

Gần tám tháng sau, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố ông Liêm về tội cố ý gây thương tích.

Ngày 13-2-2012, TAND TP Phủ Lý đã tuyên phạt ông Liêm bảy năm tù và buộc ông bồi thường cho gia đình nạn nhân 70 triệu đồng.

Tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Nam đã sửa án sơ thẩm, tuyên phạt ông Liêm 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bị đánh té hay tự té?

Đến tháng 5 năm 2013, VKSND Tối cao đã ra kháng nghị bản án phúc thẩm về phần hình phạt để xét xử phúc thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm sau đó của TAND Tối cao đã đồng tình với kháng nghị của VKS.

Điều đặc biệt là trong các phiên tòa, con gái của bị hại là cô L.A trong suốt quá trình diễn ra vụ án luôn làm đơn kháng cáo, kêu oan cho bị cáo Liêm.

Tại phiên phúc thẩm lần 2 diễn ra hôm qua (20-2), cô gái 18 tuổi này cho rằng cha mình (tức ông Hanh - người bị hại) đã yếu sẵn trong người nên chuyện bị té ở đâu đó rất có thể xảy ra. Hơn nữa, trong hai ngày ở bệnh viện để điều trị thận sau khi xảy ra sự việc, ông Hanh đã một lần bị té.

Cả bà Ngân - người trực tiếp chứng kiến vụ việc cũng cho rằng ông Hanh là người đầu tiên đến đánh bị cáo và không có chuyện ông Hanh bị đánh té dập đầu. (Bà Ngân là vợ trước của ông Hanh, mẹ của cô L.A và hiện là vợ của bị cáo.) Trong hồ sơ bút lục, các nhân chứng khác cũng khẳng định điều đó.

Kết tội bằng nghi vấn “có thể”

Tuy nhiên, cáo trạng và các bản án nhận định bị cáo Liêm đã có hành vi đạp ông Hanh khiến ông này bị té ngửa ra nền đường, vùng chẩm trái đập xuống đường, gây chấn thương sọ não kín.

Tại tòa, đại diện VKS đề nghị tòa bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm. VKS cho rằng căn cứ vào các lời khai nhân chứng cho thấy ông Hanh đã bị đập đầu xuống đường, dẫn đến chấn thương sọ não, gây tử vong cho ông Hanh. Theo công tố viên, biên bản giám định cũng ghi rằng nguyên nhân chấn thương sọ não của ông Hanh là do vật cứng đập vào, có thể do đập đầu xuống đất.

Tranh luận lại, luật sư lập luận có thể nghĩa là có hoặc không có việc đập đầu xuống đất. Ngay cả các nhân chứng không ai nói ông Hanh chỉ bị té, không đập đầu xuống đất nhưng cơ quan tố tụng đã kết luận là có đập đầu xuống đất dẫn đến chấn thương sọ não gây ra tử vong cho ông Hanh. Hơn nữa, với một vết thương rất nghiêm trọng (dập cơ, chấn thương sọ não) mà đến ba ngày sau bệnh viện vẫn không phát hiện ra, đến khi chết mới phát hiện ra sự phù nề, chấn thương sọ não... là điều rất lạ.

Theo luật sư, Viện Pháp y kết luận nguyên nhân tử vong của ông Hanh là do “chấn thương sọ não kín gây chảy máu não và phù não nhưng không được điều trị”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, người giám định trực tiếp cũng không xác định được việc chấn thương sọ não có phải là do bị (bị cáo) đánh té đập đầu hay không.

Từ những điều trên, luật sư nói vụ án có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ. Cụ thể, có dấu vết tẩy xóa, sửa chữa bệnh án; việc ông Hanh chạy thận không được đưa vào bệnh án; biên bản kiểm tra lại hiện trường với các lời khai của nhân chứng mâu thuẫn. Đó là chưa nói khi đi thu chứng cứ, cơ quan điều tra không lấy lời khai của bác sĩ trực tiếp chữa trị cho nạn nhân mà lấy lời khai của những người gián tiếp.

Phiên tòa dự kiến sẽ tuyên án vào hôm nay 21-2.

NGUYỄN DÂN

Người nhiều “vai”

Trong quá trình xảy ra vụ án, bị cáo Liêm nảy sinh tình cảm và tiến tới hôn nhân với bà Ngân. Hai người có một con riêng và hiện sống cùng với hai con chung của bà Ngân và ông Hanh, nạn nhân và là chồng trước của bà Ngân. Cô L.A, người kêu oan cho bị cáo là một trong hai người con của bà Ngân - ông Hanh. Trong các phiên tòa, bà Ngân tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng và đại diện cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (hai người con với ông Hanh) và là… vợ của bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm