Sáng 6-6, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC huyện Sóc Sơn (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), cho biết đến thời điểm hiện tại, đám cháy khủng khiếp tại khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn đã được dập tắt hoàn toàn.
Trong sáng cùng ngày, lực lượng Công an TP Hà Nội, kiểm lâm phối hợp cùng Công an huyện Sóc Sơn đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy nghiêm trọng này.
Vụ cháy rừng tại Sóc Sơn được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử
Trước đó, khoảng 13 giờ 30 ngày 5-6, người dân tại khu vực xóm 6 (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bất ngờ phát hiện khói và lửa xuất hiện tại khu vực rừng Sóc Sơn. Nhiều người đã thông tin cho xã để đánh kẻng báo động, sau đó, lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt.
Đến rạng sáng 6-6, sau 12 giờ đồng hồ nỗ lực chữa cháy, vụ hoả hoạn tại khu vực rừng phòng hộ cơ bản đã được dập tắt.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ Khoảng 2.000 cán bộ chiến sỹ kết hợp với các lực lượng chuyên môn, nhân dân… đã được điều động để khống chế ngọn lửa. Ước tính khoảng 50ha rừng bị thiệt hại. Đây là đám cháy rừng phòng hộ lớn nhất xảy ra từ trước đến nay.
Có nhiều nguyên nhân khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, trong đó toàn bộ khu vực bị cháy được phủ xanh bởi keo, bạch đàn, thông... Hơn thế, rừng phòng hộ ở Sóc Sơn trồng trên địa hình núi cao, đồi dốc… nên công tác cứu hộ cực kỳ khó khăn, khiến đám cháy kéo dài và lan rộng.
Phải mất 12 tiếng đồng hồ, vụ cháy rừng mới được dập tắt hoàn toàn
Ngoài ra, lửa nổi lên ở nhiều điểm, lan cục bộ sau đó chạy thành vệt, ôm lấy cả khoảnh rừng hàng chục ha khiến ngọn lửa bùng lớn.
Bên cạnh đó, với đặc điểm đồi núi dốc, không có đường lên, đây là điểm khó để sử dụng phương tiện xe cứu hỏa dùng vòi phun nước dập lửa.
Thông tin thêm, Thượng tá Nguyễn Quang An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC huyện Sóc Sơn, cho hay do nắng nóng nhiều ngày, hơn nữa rừng phòng hộ Nam Sơn chủ yếu là gồm các loại cây như thông, keo, bạch đàn có tầng lá khô dày đặc phủ lên bề mặt nên khi gặp gió, ngọn lửa bùng phát mạnh dẫn đến cháy lớn.
Bên cạnh đó, do nguồn nước ở xa hiện trường nên việc tiếp nước dập lửa cũng gặp khó khăn. Đến khoảng 23 giờ ngày 5-6, lực lượng Cảnh sát PCCC mới dẫn được vòi nước vào một số điểm trọng yếu gần khu dân cư, đền Sóc để chữa cháy.
Cũng vì địa hình đồi núi dốc, rừng cây dày đặc nên lực lượng chức năng chỉ thực hiện dập lửa thủ công như lập dải phân cách, phát luồng tuyến chia ranh giới chống cháy lan…