Công an khuyên 3 điều phải nhớ khi bị cướp giật

Tình trạng cướp giật đường phố lộng hành gần đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Trung tá Mai Thống Nhất (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) chia sẻ với độc giả báo Pháp Luật TP.HCMnhững điều cần lưu ý khi bị cướp giật.

Tri hô lớn: “Cướp! Cướp”

Đối tượng mà tội phạm cướp giật nhắm tới thường là phụ nữ, người lớn tuổi có tài sản, mang trang sức… vì sức khỏe họ yếu, ít khả năng chống cự nên tỉ lệ rủi ro thấp hơn.

“Nếu không may bị cướp giật trên đường phố đông người, việc đầu tiên người dân cần làm là tri hô lớn, ngắn gọn thôi: “Cướp! Cướp!”, đồng thời chỉ về hướng chúng vừa tẩu thoát để tìm người hỗ trợ. Người hỗ trợ có thể là lực lượng công an đang trên đường tuần tra, những người dân khỏe mạnh, hiệp sĩ đường phố…” - Trung tá Nhất nói.

Ông nhấn mạnh việc chỉ về hướng chúng tẩu thoát để những người hỗ trợ dễ dàng định hình và kịp thời truy đuổi. Tâm lý chung của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ khi bị cướp giật sẽ hoảng loạn, khóc, sợ, bị ức chế thần kinh, nghẹn không nói được. Trong khi đó tội phạm cướp giật chỉ cần 3-5 giây đã tẩu thoát rồi.

“Hãy cố gắng giữ bình tĩnh, ít nhất kịp thời tri hô để được giúp đỡ. Khóc lóc không giải quyết được vấn đề, đặc biệt trong trường hợp dàn cảnh cướp giật như giả vờ đánh ghen lu loa “mày cướp chồng tao” nhằm cướp tài sản thì việc khóc lóc còn khiến tác dụng ngược. Người đi đường sẽ nghĩ rằng đó chỉ là chuyện gia đình người ta nên ngại can thiệp, giúp đỡ” - Đội trưởng đặc nhiệm chia sẻ.

Hiện trường vụ việc xảy ra trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HT

Ghi nhớ nhanh xe, đối tượng

“Sự bình tĩnh rất quan trọng. Bình tĩnh để kịp thời tri hô. Bình tĩnh để nhớ nhanh đặc điểm xe, nhận dạng đối tượng cướp giật. Đó là cơ sở để lực lượng công an sớm tìm ra tài sản, trả lại cho người dân” - Trung tá Mai Thống Nhất khẳng định.

Đặc điểm xe như biển số, màu sơn (đỏ, đen, xanh, vàng…), loại xe (Wave, Vision, Lead, Exciter…). Đặc điểm nhận dạng đối tượng cướp giật như dáng người (cao, thấp, nhỏ, gầy, mập, yếu…), tóc (dài, ngắn..); đặc biệt là một số đặc điểm riêng biệt đập vào mắt đầu tiên như nốt ruồi, hình xăm, vết sẹo...

“Tôi hiểu khi bị cướp giật bà con sẽ rất hoảng loạn. Nhưng những chi tiết nhỏ về đối tượng cướp giật mà bà con cung cấp sẽ là những tư liệu rất quý giúp cơ quan điều tra có cơ sở để đấu tranh với đối tượng sau này. Nghiệp vụ điều tra cùng tư liệu người dân cung cấp sẽ giúp công an xâu chuỗi, phác họa chân dung, thủ đoạn đối tượng, kịp thời phá án” - Trung tá Nhất nói.

Mục đích của tội phạm cướp giật đường phố là tài sản: điện thoại, túi xách, ví… rồi tẩu thoát. Tuy nhiên, khi bị phản ứng, truy bắt chúng sẽ trở nên manh động, sẵn sàng liều lĩnh chống trả bằng hung khí mang theo trong người: dao bấm, dao lê… Bởi vậy, thay vì truy đuổi nguy hiểm, người dân có thể ghi nhớ nhanh xe, đối tượng và tới cơ quan công an gần nhất để trình báo.

Đến công an trình báo

“Ngay khi bị cướp giật, bà con cần tới cơ quan công an gần nhất để trình báo. Truy đuổi, bắt cướp giật là trách nhiệm của công an và một trong những lực lượng chủ công là Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm” - Trung tá Mai Thống Nhất khẳng định.

Việc truy đuổi theo cướp giật đường phố rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng bản thân mà còn cả những người đi đường, chỉ nên thực hiện nếu bản thân người đó có sức khỏe tốt, có võ thuật… Còn người là còn kiếm lại được tài sản. Bao nhiêu tiền bạc, tài sản cũng không lấy lại được tính mạng con người.

Trung tá MAI THỐNG NHẤT 

Công an phường có trách nhiệm lập hồ sơ, làm rõ, báo lên Đội Cảnh sát hình sự công an quận/huyện, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm…

“Cướp giật một vụ trót lọt, công an chưa kịp phát hiện, người dân không báo, đối tượng sẽ tiếp tục gây án, lợi dụng kẽ hở pháp luật nên lờn luật. Rất nhiều vụ chúng tôi đã bắt được đối tượng cướp giật, họ thừa nhận đó nhưng lục hồ sơ ngày hôm đó không có vì người dân không tới trình báo, đâu xử lý nghiêm được. Có thể họ gây một vụ chưa bắt được nhưng đó là tư liệu cơ sở để lực lượng chức năng nắm rõ tình hình địa bàn, sớm truy xét, bắt kịp thời.

Chúng tôi cần sự hỗ trợ của người dân. Khi bị cướp giật, trách nhiệm của người dân là trình báo. Trách nhiệm của công an là tiếp nhận trình báo, làm đến cùng không làm nửa chừng, nửa vời. Tôi tin khi mỗi người làm tốt trách nhiệm của mình thì xã hội mới bình yên” - Trung tá Mai Thống Nhất khẳng định

Cướp giật lộng hành, người dân thiệt mạng

• Ngày 19-4, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh cô gái bị kẻ cướp giật chạy xe máy tốc độ cao kéo lê hàng chục mét băng qua một ngã tư đông đúc xe cộ. Sự việc xảy ra tại giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM).

• Ngày 13-5, băng trộm bẻ khóa xe SH, bị nhóm "hiệp sĩ" phát hiện nên quay ra dùng hung khí tấn công làm hai "hiệp sĩ" tử vong, bốn người bị thương. Vụ việc xảy ra trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM).

• Tối 28-5, trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) xảy ra vụ cướp điện thoại. Bị truy đuổi, một trong hai tên cướp đã dùng dao chống trả khiến hai người bị thương nặng, phải đưa đi BV đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm