“Án cướp giật phải có bị hại mới xử lý được, không có nạn nhân là thua. Nhiều vụ trinh sát tốn công sức theo dõi mới bắt được nghi can nhưng không xử lý được dù có tang vật…” - trinh sát Phan Lê Khánh, Đội Hình sự đặc nhiệm (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM), cho hay.
Bắt nghi can, “giữ” luôn bị hại
Khi hàng triệu người dân TP.HCM chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc các trinh sát đặc nhiệm (Đội 3) lặng lẽ với công việc của họ.
Trước khi bắt đầu hành trình chạy xe ra đường, tổ trưởng luôn phân công một trinh sát “trấn an, bảo vệ “bắt giữ” nạn nhân” để khi bắt được nghi phạm mới xử lý được.
“Giữ bị hại, mới nghe tưởng là dễ nhưng chua lắm. Cướp, cướp giật nó thường nhắm vào phụ nữ, người lớn tuổi mà những người này thường hoảng loạn, ú ớ không nói nên lời khi bị cướp, cướp giật. Có người chỉ biết khóc, đứng loay hoay không biết mình đang làm gì. Đặc nhiệm đi tuần mặc thường phục nên có nạn nhân cứ tưởng mình là đồng phạm của đám cướp giật nên lắc đầu quầy quậy, không chịu hợp tác dù mình đã xưng danh, đưa thẻ ngành cho coi…” - trinh sát Ngô Duy Khánh, đặc nhiệm hình sự, cho hay.
Có những trường hợp sẵn sàng hợp tác nhưng cũng có những trường hợp nạn nhân bị giật hụt, chưa mất tài sản hoặc tài sản không đáng giá, rồi ngại phiền phức nên khi mời họ về làm việc, họ nhất quyết không chịu. “Nhưng bằng mọi biện pháp, phải giữ nạn nhân kẻo lại công cốc” - trinh sát Ngô Duy Khánh chia sẻ.
Cướp giật ở TP.HCM bị trinh sát bắt giữ. Ảnh: H.TUYẾT
Một trinh sát kể: Có lần trinh sát đi tuần, phát hiện thanh niên giật điện thoại của cô gái. Một trinh sát ở lại làm nhiệm vụ “giữ” và trấn an nạn nhân. Dù đã xuất trình thẻ ngành nhưng cô gái nhất quyết không theo trinh sát về công an phường. Cô này òa khóc rồi chạy mất, trinh sát phải “bám” theo, đứng đợi trước cửa nhà. “Khi đồng đội báo về đã bắt được kẻ cướp giật, mình phải gọi công an phường đến nhà mời, cô gái mới chịu lên trụ sở làm việc” - trinh sát kể.
Cũng có trường hợp sau khi “áp giải” về công an phường, nạn nhân mới nói thiệt: “Trông anh giống cướp quá, em sợ!”.
Bắt rồi thả vì không có nạn nhân
Rất nhiều vụ cướp giật công an đã bắt được nghi phạm, thu hồi được tài sản nhưng cuối cùng không xử lý được vì… không có nạn nhân tới trình báo.
Thượng úy Nguyễn Hữu Như Phương kể: “Lần đó khoảng 12 giờ đêm, anh em phát hiện một thanh niên cầm túi xách nữ chạy vào hẻm với tốc độ 80-90 km/giờ nên truy đuổi. Khi phát hiện trinh sát, nghi can vứt túi xách, chạy vào hẻm cụt rồi vứt xe chạy bộ. “Bắt được, đưa về trụ sở nó chối đây đẩy, lại tìm không ra nạn nhân nên chỉ biết lập hồ sơ, đưa vào diện quản lý mà không xử lý được” - trinh sát Phương nói.
“Có lần đi công chuyện về đến đường Võ Thị Sáu, thấy cô gái vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, mình chưa kịp nhắc thì hai thanh niên vụt qua giật luôn. Hôm đó mình chạy xe “cùi” nên đuổi từ quận 3 sang quận 5 mới ép ngã. Lúc này một thằng móc dao, một thằng cầm gạch (đoạn đường đang sửa chữa) chống lại. “Hốt” hai thằng về phường, phát hiện trong túi nó có đến ba chiếc điện thoại cướp giật nhưng chẳng biết của ai. May sao lúc đó một chiếc điện thoại đổ chuông, mình liền báo địa chỉ để cô gái đến trình báo” - Thượng úy Nguyễn Hữu Như Phương nhớ lại.
“Chúng tôi cũng mong muốn người thân ra đường có thể mang trang sức mà không sợ bị giật. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của người dân là bị cướp giật hãy trình báo công an. Cướp giật xử lý dựa trên hành vi chứ không phải giá trị tài sản” - trinh sát nhắn gửi.
Phân biệt công an thật, công an dỏm? Theo Thượng tá Phạm Xuân Thao, Phó Trưởng Công an quận 4, một trong những đặc điểm quan trọng để phân biệt công an thật và công an dỏm là giấy tờ, thẻ ngành công an. Công an sẽ mời người dân về trụ sở công an phường gần nhất tại thời điểm bị giật để làm việc, không yêu cầu dân giao tài sản. Công an dỏm thường có biểu hiện như cặp mắt dáo dác vì sợ bị phát hiện, tay chân lóng ngóng, luôn yêu cầu người dân giao tài sản... |