Chiều 11-1, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, đã thông tin về tình hình cao điểm kiểm tra, xử lý nồng độ cồn trên địa bàn TP.
Theo Thượng tá Hà, vừa qua, Công an TP đã rà soát và chuyển danh sách 37 trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức, hợp đồng lao động và lực lượng vũ trang, trong đó có cả công an (gọi chung là cán bộ) vi phạm nồng độ cồn cho cơ quan chủ quản xem xét, kiểm điểm.
Thượng tá Hà cho biết nhìn chung, đa số cán bộ chấp hành nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông. Tỉ lệ cán bộ vi phạm nồng độ cồn chiếm tỉ lệ nhỏ với 37/128.149 người vi phạm (chiếm tỉ lệ gần 0,03%). Đặc biệt, gần đây không phát hiện trường hợp cán bộ vi phạm nồng độ cồn.
Theo Thượng tá Hà, trong năm 2023, lực lượng CSGT Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 1.537 ô tô, 153.493 xe máy và 1.283 xe 3-4 bánh.
Trong đó có 128.149 trường hợp điều khiển xe ô tô, xe máy phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm khoảng 19,67% tổng số vi phạm về giao thông).
Do mức phạt các lỗi này tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nên không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.
Mặc dù lực lượng CSGT đã cố gắng sắp xếp các phương tiện, tang vật tại các kho, bãi nhưng hiện nay, diện tích kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận.
Nhiều đơn vị CSGT còn tận dụng khoảng trống tại trụ sở để làm nơi tạm giữ phương tiện vi phạm.
“Thống kê riêng của Phòng CSGT hiện nay còn thiếu khoảng hơn 10.000 m² kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính” - Thượng tá Hà nêu.
Kiểm tra kỹ nguy cơ cháy nổ tại bãi tạm giữ tang vật
Để đảm bảo an toàn PCCC cho các kho, bãi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin Ban Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, tổ chức lắp đặt và bảo trì hệ thống PCCC theo quy định, được kiểm tra định kỳ và nạp sạc đầy đủ các thiết bị bình chữa cháy.
Xây dựng các phương án PCCC tại từng kho bãi theo quy định. Đồng thời, giao trách nhiệm hàng tuần cho cán bộ quản lý kho, bãi phải kiểm tra và vận hành hệ thống PCCC; đặc biệt là phải kiểm tra kỹ nguồn nguy cơ dẫn đến cháy, nổ như xăng dầu, bình ắc quy.
Ngoài ra, công an các đơn vị tổ chức phân loại các phương tiện theo từng nhóm để tổ chức bảo quản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để giảm số lượng tang vật, phương tiện bị tạm giữ.