Ngày 24-5, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) vừa có văn bản gửi Tổng Thanh tra Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình ANTT tại trụ sở tiếp công dân trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội).
Theo đó, từ sau sự việc bà Trần Thị Thu Hiền, Thanh tra viên Phòng Tiếp công dân I, trong khi làm nhiệm vụ đã bị công dân Phạm Thị Thuận (Thanh Hóa) dùng dao giấu trong người chém vào mặt và đầu, phải đưa đi cấp cứu tại BV 103 thì tình hình ANTT tại trụ sở tiếp công dân trung ương có nhiều diễn biến rất phức tạp.
Công dân khiếu kiện đến trụ sở có thái độ quá khích gia tăng, nhất là các vụ việc đông người hoặc các trường hợp khiếu kiện chây ỳ đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân cố tình đeo bám khiếu kiện. Nhiều trường hợp thường xuyên vi phạm nội quy trụ sở như căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, chửi bới, chặn xe cán bộ,... Một số trường hợp khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền thì có thái độ bức xúc, thậm chí chống đối, tấn công cán bộ, công chức tiếp công dân.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, vừa bị hành hung ngày 24-5 vừa qua (ảnh: Dân trí)
Đơn cử như công dân Hồ Thị Niên (quê ở Nghệ An, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Lắk từ tháng 10-2015) thường xuyên dựng lều ăn, ngủ trước cổng trụ sở tiếp công dân trung ương; ban ngày đặt thùng quyên góp tiền ngoài đường, gây sự chú ý của người đi đường. Mặc dù đã được vận động, tuyên truyền không vi phạm nội quy, chấp hành pháp luật, tuy nhiên công dân này không chấp hành, liên tục chửi bới và đập phá cổng trụ sở. Ngày 23-5-2016, đại diện lãnh đạo trụ sở đã tiếp và thông báo đối với bà Niên về quyền khiếu nại của công dân tại trụ sở nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác và tiếp tục có hành vi gây rối tại trụ sở.
Ngày 12-5, công dân Nguyễn Xuân Thái (Nam Định) sau khi được cán bộ thường trực tiếp công dân của Ban Nội chính Trung ương tiếp và hướng dẫn đã có thái độ quá khích, đập phá, lăng mạ và đấm vào mặt ông Ngô Sỹ Giang - Phó Vụ trưởng, Thường trực tiếp công dân Ban Nội chính Trung ương làm ông Giang bị thương. Công dân này đã nhiều lần vi phạm nội quy trụ sở như la hét, mang dao, mang xăng vào trụ sở tiếp công dân trung ương đòi tự thiêu,…Công an phường Quang Trung đã tạm giữ để xử lý và được thả ngay ngày hôm sau và tiếp tục đeo bám khiếu kiện tại trụ sở.
Gần đây nhất là ngày 24-5, khi các công dân quá khích thuộc tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội đã có hành vi bao vây, túm áo, xô đẩy, cào cấu khiến Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp ngã ngửa, đầu đập vào gốc cây xoài trong sân trụ sở, gây xước xát người. Khi lực lượng bảo vệ nhắc nhở thì các công dân túm áo bảo vệ kéo ra. Các công dân này còn la hét, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tại trụ sở và tiếp tục đe dọa sẽ có hành vi tiếp theo đối với các lãnh đạo và cán bộ tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân trung ương.
“Ngoài các sự việc trên, công dân có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt, thậm chí đuổi đánh lực lượng làm nhiệm vụ tại trụ sở cũng đã xảy ra. Tất cả hành vi vi phạm trên đều được lực lượng bảo vệ trụ sở lập biên bản vi phạm nhưng việc xử lý chưa dứt khoát do yếu tố chính trị; công tác phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức (trang thiết bị hỗ trợ công tác bảo vệ) khiến tình hình ANTT, an toàn tại trụ sở tiềm ẩn nhiều rủi ro” - Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết.
Trước tình hình phức tạp trên, Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo trên cả ba miền phối hợp với các địa phương sớm kiểm tra, rà soát đối với các vụ việc do Ban Tiếp công dân Trung ương chuyển đến và thông báo kết quả kiểm tra, rà soát đến Ban Tiếp công dân Trung ương để phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại trụ sở tiếp công dân trung ương, góp phần hạn chế nguyên nhân gây bức xúc cho công dân tại trụ sở.
Cơ quan này cũng kiến nghị bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với đơn vị của Thanh tra Chính phủ khảo sát, hoàn thiện thủ tục để tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc đưa trụ sở tiếp công dân trung ương vào diện mục tiêu bảo vệ của lực lượng cảnh sát nhân dân. Đồng thời chỉ đạo Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông và các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại trụ sở và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của công dân.
Theo thống kê của Ban Tiếp công dân Trung ương, đến ngày 24-5, trên địa bàn thủ đô còn có 117 công dân đeo bám khiếu kiện, trong đó: Bình Phước (12 người), Bình Định (27 người), An Giang (tám người), Tây Ninh (tám người), Bạc Liêu (10 người), Bình Dương (10 người), Đồng Nai (tám người); 34 khiếu kiện đơn lẻ của các địa phương: Nam Định, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Nội, Tiền Giang, Gia Lai, Ninh Bình, Hải Dương, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Điện Biên, TP.HCM, Đồng Tháp, Kiên Giang, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Ninh. |