Ngày 11-9, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở NN&PTNT yêu cầu triển khai công điện khẩn của Bộ NN&PTNT.
Theo đó quá trình triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh dịch tả lợn (heo) châu Phi vào Việt Nam, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Tiêu hủy lợn có mang virus dịch tả lợn châu Phi
Công điện của Bộ NN&PTNT cho biết theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1-8-2018, bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25-8, tổng cộng đã có 4 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE vói tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con.
Mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech , Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraina và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuối và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%.
Virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu đế xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.