Đó là một phần nội dung buổi tọa đàm "Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học", do Bộ GD&ĐT phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 10-2 tại Hà Nội.
Công khai kết quả kiểm định có lợi cho trường
Theo PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong đề án tuyển sinh năm 2017, Bộ yêu cầu công khai những yếu tố cơ bản, như cơ cấu đội ngũ giảng viên, trình độ chuyên ngành; điều kiện cơ sở vật chất liên quan tới chất lượng đào tạo như diện tích phòng học, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực hành... Việc công bố như trên sẽ có lợi cho các trường. Bộ cũng khuyến khích các trường ngoài các yếu tố cơ bản trên tiếp tục công bố những điều kiện đảm bảo chất lượng khác.
"Từ năm 2018 phải công bố đầy đủ, trong đó tập trung vào tỉ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường. Việc công bố công khai là một bước quảng cáo hiệu quả mà lâu nay các trường không biết cách làm, đây là cơ hội cho các trường" - TS Trinh cho biết.
Thí sinh đang được tư vấn nộp hồ sơ tuyển sinh năm 2016. Ảnh: P.ĐIỀN
Cũng theo ông Trinh, việc công khai kết quả kiểm định là điều bắt buộc trong một quy trình đã được ghi trong luật. Kết quả đó sẽ tác động đến quá trình phát triển của nhà trường (cụ thể là tuyển sinh). Việc tác động này sẽ theo hai phía, nếu như kết quả kiểm định là tốt thì kết quả là tích cực và ngược lại.
“Các trường đại học phải dần tự chủ trên chính nội lực của mình. Tự chủ đó phải gắn với trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình. Việc công khai này để cho học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát, đặc biệt là các em học sinh chuẩn bị vào học biết được trường mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào và cảm thấy có phù hợp với nguyện vọng của mình hay không. Chính vì vậy, việc công khai kiểm định chất lượng là có lợi cho trường” - ông Trinh cho biết.
Bàn về vấn đề kiểm định chất lượng, GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết việc không có một đơn vị độc lập đứng ra thẩm định kết quả kiểm định chất lượng trường đại học, không có chế tài xử lý trường hợp thông tin sai sẽ dẫn đến công khai nhưng không minh bạch.
Theo ông Thanh, thay vì chỉ công khai số lượng giảng viên, các trường phải công bố danh sách giảng viên theo từng ngành. Người quan tâm có thể kiểm tra chéo danh sách giảng viên với danh sách BHXH để đảm bảo không có gian lận.
Thực tế có trường công bố con số lên tới 80% sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng khi hỏi về phiếu khảo sát gốc từ sinh viên và nhà tuyển dụng thì trường không đáp ứng được. Điều này cho thấy con số 80% kia là không chính xác.
Theo TS Trinh, để thẩm định kết quả mà các trường đã công bố, Bộ Giáo dục sẽ giao cho bốn trung tâm kiểm định thông qua các mục tiêu, phương thức, cách làm cụ thể để thẩm định và xác thực. “Cách làm sẽ có quy mô, nguyên tắc, chuyên nghiệp, quy trình với những yêu cầu kỹ thuật cụ thể. Do đó, việc công khai của các trường cũng cần phải trách nhiệm và đáng tin cậy cho học sinh và xã hội. Nếu các trường làm không đúng thì thông qua đó Bộ sẽ xử lý và kết quả xử lý đó sẽ công khai với xã hội” - TS Trinh nhấn mạnh.
Người sử dụng lao động được tham gia đào tạo
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hiện hành có yêu cầu mời người sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo để chương trình phù hợp với yêu cầu của xã hội. Nói về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Quý Thanh cho biết trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo cũng như trong tiêu chuẩn kiểm định chất lượng có hẳn yêu cầu khi xây dựng chương trình đào tạo mới, hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo hiện có phải có sự tham gia của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động chính là người đặt ra những yêu cầu về sản phẩm đào tạo.
Do đó, khi tham gia đánh giá tại các cơ sở giáo dục, một trong những điều mà đoàn đánh giá bắt buộc phải có là đại diện của các doanh nghiệp có sử dụng lao động phải tham gia ý kiến. Mục đích để xem hai bên tham gia vào những đâu.
“Về quy mô, điều này quan trọng để xác định quy mô đào tạo nhưng các trường đại học thường quên hoặc không đề cập rõ ràng. Về mặt thị trường, thị trường cần lao động có tính chất như thế nào, quy mô ra làm sao thì trường mới đưa ra bài toán quy mô tuyển sinh, đó là tính toán quy mô tuyển sinh theo đầu ra và theo thị trường lao động. Như vậy, tiếng nói của các nhà tuyển dụng là đặc biệt quan trọng và sự gắn kết này càng phải được tăng cường hơn nữa theo hướng thực chất, chứ không phải mang tính hình thức” - TS Thanh nêu ý kiến.