Công nghệ phim trường ảo: Vì sao các nhà làm phim Việt vẫn e dè?

(PLO)- Dù công nghệ phim trường ảo giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí... nhưng các nhà làm phim vẫn còn e dè.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, công nghệ phim trường ảo đang dần trở nên phổ biến, dù nhận được sự quan tâm lớn nhưng các nhà làm phim Việt vẫn còn e dè, chưa mặn mà ứng dụng cho phim.

Nhiều lợi ích

Tại Việt Nam, ở lĩnh vực video ca nhạc (MV), quảng cáo thì công nghệ phim trường ảo khá thông dụng. Tuy nhiên, với điện ảnh, chỉ một số phim đã sử dụng trong một số cảnh quay như Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh; Lật mặt 7: Một điều ước, Người mặt trời...

Cụ thể, ở Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, đạo diễn Lý Hải đã ứng dụng công nghệ phim trường ảo cho một vài phân cảnh lái xe, cụ thể là cảnh Phương đang lái xe chở Liên, Phát thì giữa Phương và Phát xảy ra mâu thuẫn, xô xát dẫn đến tai nạn kinh hoàng.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ này, Lý Hải cho biết đây là lần đầu tiên bản thân trải nghiệm quay ở phim trường và quay với màn hình Led, trước đó anh cũng đã tham khảo rất nhiều những mẫu phim mà các đạo diễn đã thực hiện cảnh quay và quyết định áp dụng công nghệ này trong Lật mặt 6.

"Khi thực hiện cảnh quay bằng công nghệ phim trường ảo thì lợi ích đầu tiên chính là tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đồng thời, đoàn không phải phụ thuộc vào thời tiết, kiểm soát được khung hình, diễn xuất của diễn viên và thời gian của mình.

Với một phân đoạn như thế này thì mình phải quay rất nhiều ngày và chưa chắc kiểm soát được diễn xuất của diễn viên theo ý mình. Nhưng ở phim trường ảo, tôi có thể đặt được nhiều góc máy mà nếu bên ngoài thì sẽ rất khó thực hiện" – đạo diễn Lý Hải chia sẻ.

Phim trường ảo
Ê-kíp Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải dùng phim trường ảo cho phân cảnh lái xe. Ảnh: LED WALL STUDIO

Trong Lật mặt 7: Một điều ước, đạo diễn Lý Hải cũng tiếp tục đưa công nghệ phim trường ảo vào phân đoạn 5 người con đi đón bà Hai từ viện dưỡng lão về, trong bối cảnh là đèo Khánh Lê. Tuy nhiên, vì thời lượng phim quá dài nên nam đạo diễn không thể giữ lại cảnh quay này.

Anh Lý Minh Nhựt (Công ty LedWall Studio, nơi cung cấp công nghệ phim trường ảo cho đoàn phim Lật mặt) cho biết vào thời điểm cuối 2022, chưa có công nghệ 3D nên đạo diễn Lý Hải áp dụng công nghệ 2D.

"Để chuẩn bị cho cảnh quay, đạo diễn Lý Hải cho team camera quay một ngày ở ngoài đường, ghi hình hết các backround để chuẩn bị tư liệu.

Tôi ước chừng với cảnh này, phải quay 3 ngày tầm 700 triệu nhưng vào phim trường ảo, có màn hình LED thì chỉ quay 1 ngày tầm từ 100-150 triệu/ngày thôi. Đợt đó chúng tôi tài trợ tất cả nên đạo diễn Lý Hải chỉ tốn tiền camera và một số chi phí nhỏ khác …" - anh Lý Minh Nhựt cho hay.

phim-truong-ao1.jpg
Một số ứng dụng của công nghệ phim trường ảo cho các bối cảnh. Ảnh: LED WALL STUDIO

Cũng theo anh Lý Minh Nhựt, tại Việt Nam, hầu hết các biên kịch rất ngại viết những kịch bản nói chuyện trên xe vì khó thực hiện cảnh quay. Tuy nhiên, bây giờ có công nghệ màn hình Led thì các biên kịch có thể thoả sức sáng tạo.

Ngoài cảnh nói chuyện trên xe, chúng tôi có thể sử dụng phim trường ảo cho bối cảnh ngoài bãi biển hay rừng núi… Một ngày chúng tôi có thể thực hiện từ 4-5 shot quay có bối cảnh tại màn hình LED mà không cần phải di chuyển xa.

Bên cạnh màn hình LED, công nghệ 4D Scan Lab nhằm số hóa nhân vật cũng được một số nhà làm phim áp dụng nhằm thay diễn viên trong những cảnh quay khó.

Công nghệ phim trường ảo (Virtual Production) là sự pha trộn giữa làm phim truyền thống với hệ thống công nghệ mô phỏng hình ảnh CGI (Computer- Generated Imagery - công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) theo thời gian thực và công nghệ kỹ thuật số, tạo ra môi trường tương tác, hấp dẫn để kể chuyện bằng hình ảnh.

Phim trường ảo thường được thấy trong các phim của Hollywood như: Gia tộc rồng (2022), Percy Jackson và các vị thần trên đỉnh Olympus (2023), Thor: Tình yêu và sấm sét (2022)…

Công nghệ phim trường ảo gồm màn hình LED, bối cảnh và môi trường ảo, công cụ Game Engines (Unreal Engine, Unity), hệ thống chụp chuyển động và hiệu suất, trí tuệ nhân tạo (AI) trong phim trường.

Vì sao các nhà làm phim vẫn e dè?

Dù hỗ trợ các nhà làm phim tiết kiệm thời gian, chi phí; biên kịch có thể thỏa sức sáng tạo bối cảnh, nhưng nhiều đạo diễn và nhà làm phim Việt vẫn còn dè chừng với công nghệ phim trường ảo.

"Đối với công nghệ màn hình LED, hiện tại, để sử dụng công nghệ này thì khâu tiền kỳ khá lâu. Tất cả mọi người chưa được đào tạo về điều này nên nhiều nhà làm phim, đạo diễn, theo thói quen cứ đến giờ là vào quay, sau đó mới chỉnh sửa ở giai đoạn hậu kỳ nên công nghệ này chưa được ứng dụng rộng rãi. Nhiều nhà làm phim Việt vẫn thích làm việc với phông xanh hơn" - anh Lý Minh Nhựt nói.

ly-hai2.jpg
Lý Hải dùng phim trường ảo cho khá nhiều cảnh quay trong Lật mặt 6 và Lật mặt 7.

Anh Lý Minh Nhựt cũng tiết lộ, đã có nhiều đoàn làm phim đến tham khảo mô hình phim trường màn hình LED của mình, tuy nhiên các nhà đầu tư, nhà sản xuất phim điện ảnh vẫn chưa có niềm tin về công nghệ này.

"Lý Hải, Minh Hà làm được tại vì chính họ là nhà sản xuất, đạo diễn phim của mình. Nếu không đạt, họ có thể tính đường khác. Còn những đạo diễn được thuê, vì không quyết định được kinh phí nên họ không dám quyết định.

Do đó nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất thường hỏi tôi liệu có làm được không? Nếu không làm được, mất một ngày quay là tốn thêm rất nhiều tiền, do đó họ rút hết và tìm phương án tốt hơn" - anh Lý Minh Nhựt kể.

Ông Trần Hồng Hải, Tổng Giám đốc LumiGrade Media, một trong những công ty tiên phong đưa công nghệ cao vào sản xuất video tại Việt Nam cho rằng công nghệ phim trường ảo cũng còn quá mới, ngay cả với nước ngoài.

"Ở Việt Nam chỉ mới thử nghiệm được trên các phân cảnh nhỏ chứ chưa thể áp dụng cho cả phim" - ông Hải cho hay.

Thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng

Trước đó vào tháng 8 , Tập đoàn Aptech (Ấn Độ) phối hợp với Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC, Arena Multimedia tổ chức hội thảo quốc tế “Bùng nổ sáng tạo cùng công nghệ phim trường ảo”.

Tại đây, trao đổi với PLO, ông Abir Aich, Phó Chủ tịch điều hành Học thuật, Nội dung và Công nghệ (Tập đoàn Aptech toàn cầu), cho biết lý do đưa công nghệ phim trường ảo vào Việt Nam vì đây là một thị trường tiềm năng.

Nói về việc làm một phim trường ảo thay vì dùng kỹ xảo điện ảnh, ông Abir Aich cho biết phim trường ảo sinh ra để giải quyết những bài toán về các cảnh quay phức tạp hơn, từ đó, các nhà làm phim có nhiều sự lựa chọn hơn, linh hoạt hơn.

"Mức phí đầu tư sẽ phụ thuộc vào độ rộng của studio và quy mô sản xuất phim. Nếu đầu tư tầm 100 USD thì 60% chi phí dành cho phông xanh, thiết bị; 40% là cho nhân lực. Càng sử dụng thêm nhiều công nghệ thì kinh phí đầu tư sẽ tăng lên. Nên dựa vào quy mô của dự án mà sẽ có chí phí đầu tư cho phim trường ảo sẽ khác nhau" - ông Abir Aich cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm