Ngày 26-5, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hơn 200 công nhân lao động (CNLĐ) tại các Khu công nghiệp (KCN) và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
KCN Giao Long ngập sâu, tắc đường công nhân vào công ty
Phản ánh với lãnh đạo tỉnh về KCN Giao Long thường xuyên bị ngập, anh Phạm Văn Minh làm việc tại Công ty TNHH May mặc Aliance One (KCN Giao Long, huyện Châu Thành) cho biết, nhiều năm nay KCN Giao Long thường xuyên xảy ra ngập nước mỗi khi trời mưa to.
Và đợt ngập nặng nhất chưa từng thấy từ trước tới nay là vào ngày 21-5 vừa qua. Cũng theo anh Minh do ảnh hưởng của cơn mưa kéo dài từ đêm đến sáng nên sáng 21-5, đường vào KCN Giao Long bị chìm sâu trong “biển nước”. Nhiều công nhân đi làm khi gần tới KCN thì bị tắc đường không vào công ty làm việc được, điều này ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất của công ty.
“Từ sáng sớm đường vào KCN đã bị ngập, nhiều công nhân đã lội nước vào công ty để làm việc, có công nhân bị té ngã trong nước và nhiều xe công nhân bị chết máy. Khi vào tới công ty, hầu như công nhân bị ướt hết quần áo.”- Anh Minh chia sẻ.
Anh Minh cũng bày tỏ mong muốn, lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục ngập nước tại KCN Giao Long để công nhân đi làm việc thuận tiện.
Giải đáp vấn đề trên, ông Trần Ngọc Tam- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, KCN Giao Long bị ngập vào ngày 21-5 vừa qua là sự cố ngoài ý muốn, do ảnh hưởng trời mưa cả ngày lẫn đêm, lượng nước mưa rất lớn. Cùng thời điểm này, KCN Giao Long bị cúp điện hơn 5 giờ đồng hồ nên việc bơm nước, xử lý ngập tại KCN Giao Long bị động.
Cũng theo ông Tam, để giải quyết ngập nước cho KCN Giao Long, trước mắt tỉnh sẽ giao cho Sở NN&PTNT, phối hợp với huyện Châu Thành, cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh sớm nạo vét các kênh dẫn thoát nước từ KCN ra sông. Đồng thời sẵn sàng bố trí các máy bơm cần thiết để bơm nước mưa khi KCN bị ngập.
Nói về lý do KCN Giao Long thường xuyên bị ngập nước, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, kể từ khi nâng cấp đoạn QL57B đoạn từ vòng xoay An Khánh đến KCN Giao Long mặt đường QL57B cao hơn nền đường bên trong KCN, điều này dẫn đến nước bị ngập bên trong KCN mỗi khi mưa.
Về lâu dài tỉnh sẽ có dự án nâng nền đường bên trong KCN bằng với mặt đường QL57B. Và dự án giao thông đường DK07 từ cảng Giao Long đến KCN Phú Thuận có hệ thống thoát nước rất lớn cho KCN Giao Long; tuy nhiên hiện dự án này đang trong quá trình thi công, thi công chưa tới KCN Giao Long nên chưa thể thoát nước được.
“Trong năm 2025 tới đây, hệ thống thoát nước cho KCN Giao Long nằm trong dự án đường DK07 hoàn thành, cùng với hệ thống thoát nước các kênh rạch kết hợp với việc nâng cấp nền lộ bên trong KCN thì chắc chắn KCN Giao Long sẽ không còn ngập”- Ông Tam khẳng định.
Công nhân lo lắng vì “tín dụng đen”
Chị Huỳnh Thị Mỹ Phương – Công nhân Công Ty TNHH JSB International Vina (Cụm công nghiệp An Đức, huyện Ba Tri) bày tỏ băn khoăn: “Hiện nay hoạt động tín dụng đen xâm nhập vào đời sống CNLĐ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Và tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng gây bức xúc”.
Công nhân còn lo lắng, hiện nay hoạt động “tín dụng đen” rất phức tạp, những người cho vay liên hệ trực tiếp người lao động để cho vay bằng nhiều hình thức vay qua App trên điện thoại, tờ rơi.
Khi đòi nợ họ điện thoại gây nhiều áp lực cho một số lãnh đạo công ty, Ban chấp hành Công đoàn… Công nhân bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng vào cuộc giải quyết vấn đề này.
Trả lời ý kiến công nhân, Thượng tá Lê Công Thành – Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bến Tre cho biết, trong những cuộc đối thoại lần trước Công an tỉnh cũng đã thông tin nhiều lần về “tín dụng đen”. Và hiện nay công an tỉnh vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp để phòng chống tín dụng đen trong CNLĐ.
Theo Thượng tá Lê Công Thành, thời gian qua Công an tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các ban ngành đoàn thể tỉnh tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, người lao động phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo của các nhóm đối tượng liên quan hoạt động “tín dụng đen” .
“Với tinh thần nâng cao ý thức cảnh giác là trên hết, khi người dân tiếp nhận các cuộc gọi liên quan đến hoạt động tín dụng đen thì nên ghi âm hoặc chụp màn hình tin nhắn lưu lại, để trên cơ sở đó chúng tôi có cơ sở đấu tranh, xử lý sớm vụ việc liên quan”- Thượng tá Lê Công Thành cho biết.
Đối với kiến nghị của công nhân về “tín dụng đen”, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề nghị ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bến Tre chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân, trong đó, có công nhân, người lao động góp phần xóa tín dụng đen trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các cấp Công đoàn rà soát nhu cầu về vốn của người lao động trên địa bàn để triển khai các gói tín dụng đến đoàn viên và người lao động nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn, người lao động và từng bước đẩy lùi “tín dụng đen” trong các KCN, khu nhà trọ công nhân.
Cũng tại buổi đối thoại nhiều ý kiến của CNLĐ còn phản ánh đến lãnh đạo tỉnh nhiều vấn đề khác như: Hoạt động Công đoàn; an ninh, trật tự, an toàn giao thông; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quan hệ lao động;”, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp…