Dự án Đường vành đai phía Tây TP Đà Nẵng dài 19,2 km, nối từ Quốc lộ 14B đến Khu Công nghệ thông tin tập trung, có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Nhà thầu dự án là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2020, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Cuối năm 2023, khi dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện, đất đá từ mái taluy dương (Km5+500 đến Km6+780, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) bất ngờ sạt trượt, lấp hoàn toàn một nửa mặt đường bên phải tuyến.
Trộm đất, lao qua đường cấm
Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư kiêm điều hành dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng, đã báo cáo và được UBND TP chấp thuận việc điều phối đất đồi sạt trượt về san lấp dự án Khu tái định cư Hòa Khương.
Lợi dụng chủ trương này, thời gian qua, nhiều lượt xe múc, xe tải ben ngang nhiên trộm đất tại vị trí sạt trượt mang đi đổ san lấp nhiều dự án trên địa bàn TP.
Khoảng 9 giờ ngày 4-4, có mặt tại vị trí nêu trên, chúng tôi ghi nhận mái taluy dương sạt trượt kéo theo khối lượng đất đồi khổng lồ tràn lấp mặt đường.
Lúc này, xe múc liên hồi đưa đất lên các thùng xe tải ben. “Ngậm” đầy thùng xe, các tài xế đóng bạt quay, chuyển hướng về đầu tuyến dự án rồi rẽ vào đổ san lấp cho dự án Khu tái định cư Hòa Khương.
Tuy nhiên, ngoài các xe tải ben hai trục chạy đúng tuyến cho phép, nhiều lượt xe bốn trục logo “Thế Quyền” bất ngờ chở đất lao ra khỏi phạm vi dự án Đường vành đai phía Tây, rẽ qua Quốc lộ 14B về hướng xã Hòa Khương.
Gần 10 giờ cùng ngày, xe “Thế Quyền” biển số 43H – 023.60 lui vào điểm sạt trượt để “ăn” đất. Xe này sau đó chạy ra khỏi dự án, di chuyển trên Quốc lộ 14B ngang qua UBND xã Hòa Khương rồi xuyên qua tuyến đường liên xã để lên đường Hòa Phước – Hòa Khương.
Đáng nói, tuyến đường này đặt biển cấm tải 5,5 tấn, trong khi xe tải ben bốn trục có tổng trọng lượng chuyên chở (cả trọng lượng xác xe) cho phép lên đến 32 tấn.
Đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, xe này rẽ vào đổ đất san lấp cho dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa làng đại học, thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).
Chỉ 15 phút sau, xe này ngược hành trình về đường cấm tải 5,5 tấn, vào khu vực sạt trượt trên đường vành đai phía Tây để tiếp tục một lượt chở đất mới. Tại đây, nhiều xe tải ben khác lấy đất xong cũng trực chỉ về hướng Quốc lộ 14B.
Có đất dư là trộm
Trong khoảng một tuần theo dõi trên đường vành đai phía Tây, chúng tôi ghi nhận không chỉ một công trường trộm đất tại vị trí sạt trượt nói trên. Dọc tuyến về hướng Khu Công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), các vị trí san ủi đất san lấp, đất đồi dư thừa đều trở thành nơi trộm đất.
Khoảng 11 giờ ngày 8-4, cuối tuyến đường vành đai phía Tây tấp nập xe tải ben hai trục xếp hàng chờ lấy đất. Các xe này đều mang logo “QB”, lui vào sát xe múc lấy đất rồi lao thẳng về hướng Quốc lộ 14B.
Chỉ trong khoảng 30 phút, gần chục lượt xe “QB” mang đầy thùng đất di chuyển trên cùng một hành trình về hướng xã Hòa Khương.
Đến khu vực gần Nghĩa trang Hòa Khương, các xe đồng loạt bật xi-nhan trái, rẽ vào tập kết, đổ đất cho dự án Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu. Bên trong dự án này còn nhiều xe “QB” chờ sẵn đến lượt đổ đất. Còn trên đường vành đai phía Tây, xe múc cứ lừ lừ “bò” dọc mặt đường “ngoặm” trộm đất.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho hay, dự án Đường vành đai phía Tây do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng điều hành. Việc điều phối đất sạt trượt thực hiện theo chủ trương của UBND TP.
Tuy nhiên với hành vi xe chạy vào đường cấm tải 5,5 tấn trên địa bàn huyện, ông Tôn cho hay sẽ giao công an kiểm tra, xử lý.
Xem những hình ảnh PV cung cấp, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng thừa nhận hai dự án là Khu tái định cư phục vụ giải tỏa làng đại học, Cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu không thuộc phạm vi điều phối đất từ dự án Đường vành đai phía Tây.
“Như vậy là vận chuyển trộm, tôi sẽ cho kiểm tra”, ông Huy nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tứ (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 quy định việc khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi và chỉ khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 47 Nghị định 36/2020 của Chính phủ. Cụ thể là xử phạt từ 1 - 50 triệu đồng đối với khối lượng khoáng sản đã khai thác từ dưới 10 m3 - 50 m3 trở lên.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền, tịch thu phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra còn phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.
Luật sư Tứ cho hay, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, theo Điều 227 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm nếu thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị phạt từ 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm nếu thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên.
Nếu là pháp nhân thương mại vi phạm thì mức phạt tối đa có thể lên đến 7 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ sáu tháng đến ba năm.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.