Ngày 9-6, TAND TP Biên Hoà (Đồng Nai) xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư và hợp đồng hỗ trợ vốn giữa nguyên đơn là Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) và bị đơn là Công ty TNHH Cường Hưng (Công ty Cường Hưng, trụ sở tại TP Biên Hòa).
Công ty Cường Hưng do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, cựu phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, làm đại diện pháp luật.
Khu đất Công ty Cường Hưng do bà Mỹ Thanh tham gia điều hành là cổ đông sáng lập, chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo nội dung đơn kiện, vào tháng 11-2010, Donacoop và Công ty Cường Hưng ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư thương mại - dịch vụ có diện tích 91,75 ha ở xã Phước Tân (TP Biên Hòa).
Donacoop thực hiện thi công hạ tầng giao thông, san lấp mặt bằng hưởng lợi nhuận khoán 200.000 đồng/m2. Thời hạn hợp đồng 24 tháng.
Năm 2011, bà Thanh, lúc này giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cường Hưng và đang giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách khối đầu tư xây dựng và công nghiệp, đã thương lượng với Donacoop để chuyển hợp đồng hợp tác kinh doanh có lợi nhuận thành “hợp đồng hỗ trợ vốn” không tính lãi.
Từ khi hợp tác đầu tư đến cuối năm 2012, phía Donacoop đã chuyển khoản số tiền hơn 261,6 tỉ đồng cho Công ty Cường Hưng. Cạnh đó Donacoop sẽ nhận lại bằng dự án từ Công ty Cường Hưng.
Tuy nhiên đến ngày 1-11-2014, hợp đồng hợp tác đã hết hạn, phía Công ty Cường Hưng không giao đất cho Donacoop theo cam kết. Thời điểm này, bà Mỹ Thanh được bổ nhiệm chức Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Phía Donacoop đã nhiều lần yêu cầu Công ty Cường Hưng thực hiện theo hợp đồng hai bên đã ký kết nhưng đều không được. Do vậy, Donacoop gửi đơn khởi kiện Công ty Cường Hưng ra TAND TP Biên Hòa, yêu cầu trả cho Donacoop 811,8 tỉ đồng,trong đó gồm nợ gốc hơn 261,6 tỉ đồng và lãi 550,2 tỉ đồng tính đến thời điểm hiện tại.
Dự kiến chiều cùng ngày TAND TP Biên Hòa sẽ tuyên án.
Cựu phó bí thư tỉnh ủy bị lỷ luật Liên quan đến những sai phạm của bà Thanh, giữa năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật bà Thanh, phó bí thư tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng và cho thôi làm đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, trong thời gian làm giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1-2009, bà đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án khu tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân rồi gửi vào Công ty Gỗ Tân Mai lấy lãi gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Với cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6-2011 đến tháng 9-2014), bà đã ký nhiều văn bản của UBND tỉnh nhưng không xem xét nội dung tham mưu của sở, ngành chuyên môn, vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục đầu tư dự án. Bà còn chấp thuận chủ trương đầu tư dự án lấn sông Đồng Nai không báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành trung ương theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngoài ra, bà còn ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bà phụ trách, trong đó có dự án không thuộc lĩnh vực được phân công trực tiếp phụ trách, báo cáo sai sự thật về khối lượng... Những vi phạm, khuyết điểm của bà Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và của cá nhân bà. Sau khi bị kỷ luật, bà Thanh được Tỉnh ủy Đồng Nai phân công về làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Đầu tháng 6-2020, bà Thanh đã nhận quyết định nghỉ hưu. |