Công ty Đa Phước xin thay đổi công nghệ

“Chấp thuận chủ trương về mặt ý tưởng thay đổi công nghệ của khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM)”. Ngày 4-12, một nguồn tin từ UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND TP đã có ý kiến như trên trước đề xuất của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).

Kiểm soát chặt mùi hôi

Trước đó, UBND TP nhận định khả năng phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến một số khu vực ở quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè là từ bãi rác Đa Phước. Vì vậy, UBND TP yêu cầu các đơn vị xử lý chất thải trong khu xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ quy trình vận hành và kiểm soát chặt mùi, đặc biệt là bãi rác Đa Phước do đây là nơi tiếp nhận, xử lý rác quy mô lớn.

Mới đây, VWS đề xuất thực hiện một số giải pháp, công nghệ mới cho việc xử lý chất thải nhằm giảm thiểu mùi hôi trong quá trình vận hành, đặc biệt đối với việc tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác/ngày. Theo ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, thời gian qua VWS đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tốt hơn việc kiểm soát mùi ở nơi nhận rác và hồ chứa nước rỉ rác theo yêu cầu của UBND TP.

“Cụ thể, VWS đang thuê một nhóm chuyên gia độc lập để kiểm tra, đánh giá lại tất cả thiết bị và phương pháp thực hiện khử mùi tại dự án để có thể bổ sung thiết kế, thiết bị mới và có sự điều chỉnh về phương pháp để khống chế tốt nhất mùi hôi phát sinh từ bãi rác” - ông David Dương thông tin.

Ngoài ra, VWS cũng đề nghị TP.HCM chấp thuận cho đơn vị thay đổi một phần công nghệ để giảm bớt phần rác chôn lấp, lắp đặt thêm công nghệ đốt rác, sản xuất điện từ khí bãi chôn lấp và sản xuất khí nén thiên nhiên (CNG) phục vụ cho các xe chở rác.

Một góc khu xử lý rác Đa Phước. Ảnh: GN

Công nghệ khép kín giảm mạnh rác chôn lấp

Ông David Dương cho biết VWS đã đề xuất với UBND TP sẽ xây dựng nhà máy xử lý 2.000 tấn rác/ngày khép kín rộng khoảng 10 ha trong khuôn viên bãi rác Đa Phước. “Đây là công nghệ khép kín, phục vụ cho việc nhận, xử lý thêm 2.000 tấn/ngày. Khi đó 2.000 tấn rác đầu vào sẽ được sàng lọc và lựa ra khoảng 1.500 tấn/ngày để sản xuất khí CNG, phân dạng lỏng, phân hữu cơ compost. Số còn lại (500 tấn/ngày) sẽ được đưa qua nhà máy đốt để sản xuất ra điện. Theo công nghệ này, chúng tôi cam kết tỉ lệ chôn lấp rác sẽ không quá 5% lượng rác tiếp nhận” - ông David Dương nói.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông David Dương ước tính tổng chi phí đầu tư nhà máy này khoảng 275 triệu USD (hơn 6.000 tỉ đồng). “Tùy theo việc TP.HCM lựa chọn công nghệ, khối lượng rác mà chi phí xử lý vào khoảng 45-75 USD/tấn rác. Chi phí này còn phụ thuộc vào việc bán sản phẩm đầu ra như khí CNG, điện, phân bón” - ông David Dương nói.

Ngoài ra, dự kiến đến năm 2020, bãi rác Đa Phước sẽ nhận rác đến công suất thiết kế nên khi đó số rác sinh hoạt ở TP.HCM sẽ được đưa về khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa (Long An) xử lý. Do vậy, VWS cũng đề xuất xây nhà máy ép rác ở bãi rác Đa Phước. Khi đó rác sinh hoạt của TP.HCM được thu gom về đây để ép thành bánh rồi cho vào xe container để đưa lên sà lan chở về Long An. “Khi ép rác sinh hoạt giảm được 15% trọng lượng nên sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Lượng nước từ việc ép rác sẽ được thu gom, xử lý tại chỗ. Nếu được TP.HCM chấp thuận, chúng tôi cam kết sau 16 tháng xây dựng sẽ đưa khu vực xử lý rác khép kín này vào hoạt động” - ông David Dương nói.

Được biết UBND TP vừa có cuộc họp về các đề xuất này. Một cán bộ tham dự cuộc họp cho biết lãnh đạo UBND TP đã chấp thuận chủ trương ý tưởng trên nhưng VWS phải có thuyết minh, giải trình rõ ràng nội dung công nghệ, công suất xử lý, phân kỳ đầu tư và giá thành xử lý. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư trình lại cho UBND TP và các sở, ngành chức năng để xem xét. Ngoài ra, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ dự án ở tỉnh Long An.

 

Báo cáo dự án rác ở Long An trước ngày 15-12

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự án khu công nghệ môi trường xanh của Công ty Cổ phần Xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWSLA).

Theo đó, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn này (công suất thiết kế dự kiến 5.000 tấn/ngày) là để đáp ứng cho nhu cầu của Long An, TP.HCM và cả vùng. Vì vậy, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An, nhà đầu tư và các bộ, ngành liên quan xác định rõ quy hoạch phân khu chức năng của dự án; làm rõ nhu cầu xử lý rác thải của tỉnh Long An, khu vực và cả vùng bảo đảm công nghệ và công suất dự án phù hợp.

Từ các nội dung được làm rõ nêu trên và ý kiến các cơ quan liên quan, UBND tỉnh Long An hoàn thiện báo cáo dự án gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-12.

_________________________________

11 triệu tấn là số rác sinh hoạt được chôn ở bãi rác Đa Phước tính đến thời điểm này. Chiều cao của bãi rác hiện khoảng 25 m. Tổng công suất bãi rác khoảng 24 triệu tấn rác với chiều cao dự kiến trên 40 m.

Dự án này bắt đầu nhận rác từ ngày 1-11-2007. Hiện mỗi ngày nhận khoảng 5.400 tấn rác sinh hoạt từ 16/24 quận, huyện của TP.HCM. Dự án này có thời gian hoạt động là 50 năm, gồm 24 năm nhận rác, 26 năm đóng bãi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới