Đại dịch COVID-19 xảy ra đã sáu tháng. Tin tốt là hiện nhiều nước đã dần dỡ bỏ phong tỏa, giãn cách xã hội, cho phép dân quay lại cuộc sống bình thường sau khi kiểm soát được dịch. Tin không tốt là không chỉ tình trạng nhiễm mới ở một số khu vực vẫn tăng mà báo động hơn là đã xuất hiện một số ổ dịch mới ở những nơi tưởng rằng dịch đã bị khống chế.
Có thể thấy các nước đã vượt qua làn sóng dịch thứ nhất giờ đang chật vật trở lại với làn sóng thứ hai cùng các ổ dịch mới có số ca nhiễm mới từ hàng chục tới hàng trăm, sau khi nới lỏng phong tỏa và khôi phục hoạt động kinh tế.
Ổ dịch mới, ca nhiễm mới vẫn xuất hiện
Phần lớn các ổ dịch mới bùng phát tại các thủ đô của các nước. Lý do vì những nơi này là trung tâm giao thông, có lưu lượng người đến và đi cao. Chẳng hạn ổ dịch mới của Trung Quốc xảy ra ở thủ đô Bắc Kinh. Ổ dịch bùng phát từ chợ Tân Phát Địa và nhà chức trách đã ghi nhận ít nhất 227 ca nhiễm mới chỉ từ tuần trước.
Hàn Quốc được xem là một trường hợp chống dịch thành công dù vốn là một ổ dịch lớn trong làn sóng dịch đầu tiên. Đáng lo là gần đây nhiễm mới ở Hàn Quốc tăng lại (hàng chục ca mỗi ngày) sau khi nước này nới lỏng giãn cách xã hội một tháng trước. Chẳng hạn ngày 19-6 Hàn Quốc có tới 49 ca nhiễm mới (riêng thủ đô Seoul và các vùng đô thị lân cận tới 26 ca). Nhà chức trách y tế dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch nữa ở Seoul cũng như các khu vực khác, đồng thời cảnh báo dịch sẽ kéo dài qua cả mùa hè.
Chuyên gia Kazuhiro Tateda, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật, cho rằng nguy cơ lây nhiễm có thể thấp trong những tháng mùa hè nhưng nước này có khả năng sẽ hứng làn sóng lây nhiễm thứ hai từ tháng 10 trở đi.
Ấn Độ ngày 21-6 chứng kiến số ca nhiễm mới cao nhất một ngày từ đầu dịch: 15.400 ca. Hiện tổng số ca nhiễm ở nước này gần 427.000, trong đó hơn 13.700 người chết tính đến ngày 22-6, cao thứ tư thế giới, sau Mỹ, Brazil và Nga.
Số ca nhiễm và tử vong mới ở Pakistan cũng không ngừng tăng cao báo động. Từ một nước ít nghiêm trọng vài tháng trước, giờ Pakistan đã là nước có dịch nặng thứ 14 thế giới với gần 177.000 ca nhiễm, trong đó hơn 3.500 người chết tính đến ngày 22-6.
Số ca nhiễm mới ở Indonesia vẫn không ngừng tăng. Ngày 18-6, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới một ngày cao kỷ lục từ đầu dịch: 1.331 ca.
Theo chuyên gia Paul Ananth Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng và Truyền nhiễm lâm sàng châu Á - Thái Bình Dương (Thái Lan), điều đáng lo nhất trong làn sóng lây nhiễm thứ hai này là các nước không kiểm soát và ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Tình hình sẽ nguy hiểm nếu các nước không cắt được chuỗi lây nhiễm để số ca nhiễm tăng lên hàng trăm tới hàng ngàn mỗi ngày.
Người dân Seoul (Hàn Quốc) vẫn nghiêm túc đeo khẩu trang ngăn ngừa làn sóng COVID-19 thứ hai. Ảnh: KIM HONG - ji/REUTERS
Bài học và thách thức
Liệu châu Á có thể học và áp dụng được những bài học gì từ làn sóng dịch đầu tiên vào đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai? Trước hết, GS Michael Baker về sức khỏe công cộng tại ĐH Otago (New Zealand) chỉ ra tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang với giảm thiểu lây nhiễm, cũng như cần thiết phải đẩy mạnh xét nghiệm và tăng cường truy nguồn tiếp xúc. Một bài học quan trọng nữa là các nước phải áp dụng “khoa học tốt, sự lãnh đạo tốt và phản ứng nhanh chóng với đại dịch”.
Chuyên gia Tambyah nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định sớm các ca nhiễm, xét nghiệm người có nguy cơ, duy trì giám sát tốt. Một khi xác định được các ca nhiễm cần làm tốt công tác truy nguồn tiếp xúc, tiến tới cô lập và cách ly phù hợp.
183.020 là số ca nhiễm mới chỉ trong một ngày 21-6 trên toàn cầu - số ca nhiễm mới một ngày cao nhất từ đầu dịch, theo ghi nhận của WHO. Hiện toàn cầu gần 9.061.000 ca nhiễm, trong đó gần 471.000 người chết, tăng trung bình một ngày gần 5.000 người chết, trong đó hơn 2/3 là ở khu vực châu Mỹ. |
GS Baker cho rằng nguồn nhiễm nhập cảnh là mối đe dọa chính với Trung Quốc cũng như các nước trong làn sóng thứ hai. Để giải quyết đe dọa này, các nước cần có phản ứng nhanh và mạnh. Ông cũng tự tin khả năng thành công của Trung Quốc và các nước trong đối phó làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ cao, vì các nước đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra các thách thức trong ứng xử với làn sóng đại dịch thứ hai, đặc biệt duy trì cho được sự cảnh giác và bảo đảm khống chế nhanh các ổ dịch nhỏ, không để bùng phát rộng hơn đến mức không thể kiểm soát được.
Tuần trước, Giáo sư nghiên cứu bệnh dịch Ki Moran tại Trung tâm Ung thư quốc gia Hàn Quốc cho rằng nhất thiết nước này “phải siết chặt giãn cách xã hội, còn không chúng ta có thể sẽ có tới 800 ca nhiễm mới mỗi ngày trong một tháng nữa”.
Tại Nhật, để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhà chức trách y tế nước này đã thiết lập hàng loạt hướng dẫn mới, đặc biệt áp dụng với ngành công nghiệp giải trí ban đêm. Tuy nhiên, GS Yoko Tsukamoto về kiểm soát bệnh truyền nhiễm làm việc tại ĐH Khoa học sức khỏe Hokkaido lo ngại các cơ sở, doanh nghiệp sẽ khó có thể tuân thủ đúng.
Cảnh báo nguy cơ trong 6 tháng tới Theo GS John Mathews tại Trường Dân số và Sức khỏe toàn cầu thuộc ĐH Melbourne (Úc) và từng là phó trưởng cố vấn y tế chính phủ Úc, sáu tháng tới thế giới có thể sẽ có thêm lượng ca nhiễm tương đương số ca nhiễm sáu tháng qua, thậm chí có thể hơn. Viễn cảnh này tùy vào cách phản ứng của các chính phủ và người dân. Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota (Mỹ), thì bi quan hơn. Theo ông, các đại dịch trước đã hoành hành liên tục hàng năm mới dần lui, vì thế sáu tháng qua chưa thể nói được gì. |