Bắt đầu từ ngày 15-2, Thông tư 01/2016/TT-BCA (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT) chính thức có hiệu lực và thay thế cho Thông tư 65/2012 của bộ này.
Không cầm lái vẫn bị kiểm tra giấy tờ tùy thân
Theo đó, ngoài việc được dừng, kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, CSGT được quyền kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, CSGT còn được quyền kiểm soát cả giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Nói cách khác, CSGT có quyền kiểm soát giấy tờ tùy thân của người ngồi sau mô tô, xe máy và bất kỳ người nào trên ô tô đang bị CSGT chặn lại để kiểm tra.
Ngoài ra, Thông tư 01 cũng tăng quyền hạn cho CSGT. Cụ thể, ngoài thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì CSGT được bổ sung quyền “xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 5 Thông tư 01/2016).
Quy định này phải chăng cho phép CSGT sẽ được lấn sân xử phạt vi phạm hành chính ở các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn? Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật - Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng quy định bổ sung nêu trên không có nghĩa CSGT được quyền xử lý tất cả vi phạm hành chính. “Ở đây phải hiểu “các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật”, tức là khi có văn bản nào quy định cụ thể CSGT được quyền phạt thì họ mới được phép làm” - bà Liên giải thích.
Theo bà Liên, trên đây chỉ là một câu “thòng” bỏ ngỏ để dễ dàng thực hiện khi có các quy định pháp luật khác có liên quan đến thẩm quyền xử phạt của CSGT. “Khi nào có quy định bổ sung thì CSGT mới được xử lý (ở lĩnh vực khác), còn hiện nay CSGT chỉ được phép xử phạt trong các lĩnh vực cụ thể đã được nêu” - bà Liên giải thích.
CSGT sẽ được kiểm tra giấy tờ của người trên phương tiện đang kiểm soát. Ảnh: TUYẾN PHAN
CSGT được xử phạt tại chỗ đến 250.000 đồng
Thông tư cũng cho phép CSGT xử lý vi phạm không cần lập biên bản. Cụ thể, đối với vi phạm thuộc trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính hoặc thuộc thẩm quyền của mình mà không cần điều tra xác minh thì CSGT có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc ngay trong thời gian thực hiện ca tuần tra, kiểm soát.
Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục CSGT Nguyễn Hữu Dánh giải thích: CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường được ra quyết định xử phạt tại chỗ không quá 250.000 đồng với người không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành vạch kẻ đường, không chấp hành chỉ dẫn của biển báo... song có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Đặc biệt, khoản 2 Điều 15 của thông tư quy định sau khi lập biên bản vi phạm xong, ngoài việc giao biên bản cho người vi phạm, CSGT phải thông báo các hành vi vi phạm cho những người trên phương tiện biết để chấp hành, giám sát. Với phương tiện chở người từ 16 chỗ trở lên, CSGT phải lên khoang chở khách để thông báo. Trường hợp không phát hiện vi phạm, CSGT cũng phải thông báo và nói: “Cám ơn ông (bà/anh/chị…) đã giúp đỡ CSGT làm nhiệm vụ”.
Trưng dụng phương tiện phải có quyết định của bộ trưởng Bộ Công an Đáng chú ý, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an cho phép CSGT được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật. Trước hàng loạt băn khoăn về quyền trưng dụng của CSGT, ngày 4-2, Bộ Công an đã có công văn gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm giải thích rõ hơn nội dung này. Công văn khẳng định việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, tức CSGT chỉ được thực hiện quyền trưng dụng phương tiện, thiết bị khi có quyết định của bộ trưởng Bộ Công an. |