40 năm nay, hình ảnh ấy quá đỗi quen thuộc với bà con phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang. Dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi khom, quần xắn ống thấp ống cao, tay xách một túi màu đỏ đã bạc màu, bà Mai Thị Để lầm lũi đi từng nhà hỏi leo dừa mướn, kiếm tiền nuôi con khờ khạo.
Nữ tướng trèo dừa
Như đã hẹn, 7 giờ sáng tôi có mặt tại nhà bà Để để theo bà đi hái dừa. Vừa bước vào nhà, chưa kịp chào bà đã cất giọng: “Đến rồi đó hả? Thôi tranh thủ đi để người ta chờ kỳ lắm!”. Miệng nói, tay bà quơ với lấy túi đồ nghề để sẵn ở bàn nước khoác lên vai, chân thoăn thoắt bước ra cửa, không quên dặn với theo đứa con trai: “Nhớ đóng cửa rả cẩn thận nghen!”.
Tôi cùng bà rời đi được một đoạn ngang qua quán nhỏ ven đường, một người phụ nữ nói vọng ra: “Bữa nay cô Để rửa dừa ở đâu? Hôm qua nghe nói cô mệt, hết chưa mà nay đi làm nữa rồi?”. “Nghỉ một bữa, chớ nghỉ hoài chắc má con tui đói luôn quá cô Ba” - bà Để vừa bước vội qua vừa đáp. Rồi bà giải thích với tôi: “Nghe rửa dừa lạ tai lắm phải hôn? Ở đây rửa dừa là leo lên bẻ rồi dọn sạch bẹ khô, tỉa lá. Dân miệt này kêu vậy không hà!”.
Nói rồi bà dừng lại ở vạt dừa trồng ven con lộ cặp kênh thủy lợi. Thấy bà, ông Huỳnh Văn Đủ, chủ vạt dừa, chạy từ trong nhà ra đon đả: “Bữa nay bẻ xong mớ dừa cho tui rồi dọn cây luôn nghe chị Để”. Bà không trả lời mà ậm ừ trong miệng và lấy trong túi đồ nghề ra một đoạn dây nài (dây dù) dài khoảng 30 m và một con dao yếm. Nhìn đoạn dây đã mòn và bạc màu cũng đủ biết nó đã được sử dụng rất nhiều.
Thấy ánh mắt ái ngại của tôi khi nhìn những cây dừa cao lêu nghêu, bà Để vừa xỏ chân vào dây nài vừa trấn an: “Quen rồi cô. Dừa cao cỡ này thì nhằm nhò gì”. Nói xong, bà Để thoăn thoắt leo, chưa đầy ba phút đã ngồi vắt vẻo trên ngọn dừa rồi bắt đầu lấy dây cột chặt buồng dừa lại, sau đó chặt đứt cuống và hạ từ từ nguyên buồng trên chục trái xuống đất.
Ông Đủ vừa kéo được quầy dừa cho gọn lại thì bà Để đã xuống tới đất. Bà leo xuống nhanh cũng như lên, thoăn thoắt như chú sóc nhỏ và không cần nghỉ ngơi, bà tiếp tục công việc ở một cây khác kế bên… Rửa xong hai cây dừa của nhà ông Đủ, bà nhận tiền công 40.000 đồng rồi lại tiếp tục hành trình mưu sinh của mình…
Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, bà Mai Thị Để vẫn phải ngày ngày bám víu trên ngọn cây kiếm sống. Ảnh: HẢI DƯƠNG
“Con có miếng ăn là hạnh phúc rồi”
Tẩn ngẩn suy nghĩ, tôi giật mình khi bà đã xong việc, ngồi bệt ngay gốc dừa sát bờ mương để nghỉ, mặc hai cánh tay rơm rớm những vết trầy đang rỉ máu. Quệt mồ hôi, bà nói: “Sáng nay coi như má con tui đủ gạo ăn hai ngày rồi đó cô. Lát gắng thêm ít nhà nữa để dành bữa mưa không leo được”. Tựa lưng vào gốc dừa, bà Để kể về cuộc đời và cái duyên đưa bà đến với cái nghề vốn không dành cho “chân yếu tay mềm”.
… Bà sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vị Thanh này. Cha mất sớm, chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau. Cuộc sống chật vật nghèo khó, mặc dù là con gái nhưng 17 tuổi bà đã bắt đầu hái dừa mướn kiếm tiền.
“Thấy tui leo dừa ai cũng chê cười, nói con gái con lứa cũng bày đặt leo cây. Tui cũng tự ái. Nhưng nhà nghèo quá, chỉ có hái dừa là nhanh và có tiền liền để mua gạo nên tui bỏ ngoài tai những lời dèm pha thiên hạ” - bà Để tâm sự.
Thoáng qua mà đã hơn 40 năm bà làm nghề leo dừa mướn, bà không nhớ mình đã leo được bao nhiêu cây dừa. Bà có hai người con. Đứa con gái đã đi lấy chồng nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, không giúp được gì cho bà. Còn người con trai năm nay 29 tuổi nhưng lại bị khờ bẩm sinh, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ nấu cơm hoặc đi theo mẹ nhặt dừa. Vì thế ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, hưởng phước của con cháu thì bà Để vẫn phải ngày ngày bám víu trên ngọn cây kiếm sống.
“Lúc khỏe thì trèo được 10 cây. Đủ tiền mua gạo và mớ rau mẹ con sống qua ngày. Thấy con có được cái ăn là tôi hạnh phúc lắm rồi. Tôi chỉ sợ sắp tới không còn sức trèo nữa thì con tôi sẽ ra sao đây, tội nghiệp nó!” - bà Để lo lắng…
Bà thu gom đồ nghề rồi lầm lũi bước tiếp giữa cái nắng trưa hầm hập, quay quắt và oi bức. Chẳng mấy chốc bóng bà mất hút trên những đọt dừa cao lêu vêu. Tiếng dao chặt bẹ khô, tỉa lá xanh cứ phầm phập vang giữa nắng trưa…
***
Chia tay bà Để khi chiều muộn. Ánh nắng cuối ngày chỉ còn le lói, bà tất tả đi chợ mua gạo mắm tích trữ từ những đồng tiền công vừa kiếm được trong ngày. Nhìn dáng bà, nghe bà kể về đời mình, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của thi nhân người Nga Y.A. Yevtushenko: “Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?”.
Hoàn cảnh của bà Để rất khó khăn, thuộc diện nghèo trên địa bàn. Bà Để đã lớn tuổi nhưng hằng ngày vẫn đi trèo dừa kiếm tiền nuôi đứa con bị khờ. Bà chỉ hưởng được chế độ bảo hiểm cho người nghèo chứ không có trợ cấp gì. Địa phương cũng quan tâm giúp đỡ nhưng chỉ được một phần, mạnh thường quân có ủng hộ thì chúng tôi luôn ưu tiên cho hộ bà Để. Ông TRẦN VĂN DỰ, Trưởng khu vực 1, phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang Miệt này bả được mệnh danh là nữ tướng trèo dừa đó. Tôi cùng lứa với bả mà giờ tôi thua rồi, ngay cả mấy đứa con tôi nó còn không dám leo. Bả khổ lắm, trèo dừa mướn từ nhỏ, nay 60 tuổi rồi mà còn phải trèo dừa mướn kiếm tiền nuôi chồng con. Hoàn cảnh bả thấy thương nên tôi và bà con ở đây ai muốn hái dừa, hái cau hay mé nhánh dọn cây gì đó là kêu bả làm. Ông HUỲNH VĂN ĐỦ, chủ vạt dừa |