Nếu không nhận được phản hồi, cư dân thường bày tỏ nguyện vọng bằng cách giăng biểu ngữ, khẩu hiệu tại căn hộ. Lúc này, một số CĐT, BQL thường có hành động đối phó: Cắt nước, cắt điện của căn hộ.
Trong những trường hợp này cư dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Liên quan đến khía cạnh pháp lý, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia sẻ: Dịch vụ điện, nước tại chung cư do chủ sở hữu nhà chung cư ký kết hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung cấp. Chỉ khi chủ sở hữu nhà chung cư vi phạm nội dung trong hợp đồng thì có thể bị ngưng cung cấp. Như vậy, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư không có quyền ngưng cấp điện, nước đối với chủ sở hữu nhà chung cư. Việc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư áp dụng hình thức ngưng cung cấp điện, nước với chủ hộ là trái pháp luật.
Trường hợp các bên có tranh chấp thì cần phải được giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo đó, các tranh chấp về quyền sở hữu nhà chung cư thuộc thẩm quyền của TAND được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư… do UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó giải quyết. Trường hợp không đồng ý với quyết định của UBND cấp tỉnh thì cư dân có quyền yêu cầu TAND giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các tranh chấp giữa BQT với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư về việc bầu, miễn nhiệm, bãi miễn, thay thế thành viên được giải quyết trên cơ sở thương lượng. Trường hợp không thương lượng được thì đề nghị tổ chức họp hội nghị nhà chung cư để giải quyết.
Như vậy, về cơ bản nếu người sở hữu nhà chung cư có tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư thì cần thương lượng với các bên liên quan. Nếu không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn tới chính quyền địa phương là UBND cấp xã để được xem xét. Nếu vẫn không thể giải quyết được thì có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Đồng quan điểm, luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, Trưởng BQT một tòa nhà khu chung cư tại TP.HCM, cho biết nếu có tranh chấp giữa BQL, BQT với cư dân thì không được đối phó bằng hành động cắt nước, cắt điện trừ khi người dân không đóng tiền điện, nước (vi phạm hợp đồng).
“Nếu có tranh chấp ở chung cư, người dân có quyền triệu tập đại hội nhà chung cư bất thường. Tại đó, người dân đưa ra ý kiến, nếu được đại hội thông qua thì BQT, BQL buộc phải thực hiện theo ý kiến đó. Trường hợp nếu không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn tới chính quyền địa phương để được giải quyết” - luật sư Nông nói.