Cư dân chung cư phập phồng sợ cháy

Hôm qua (14-10), PV có mặt ở nhiều chung cư tại Hà Nội và ghi nhận được nhiều lo lắng của người dân về việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trong khi các yêu cầu về PCCC không được chủ chung cư quan tâm thì cơ quan chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn PCCC lại nói: “Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội không có đủ lực lượng giám sát…”.

Bãi xe “bịt” họng nước chữa cháy

Hàng ngàn cư dân ở chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty Cổ phần May Thăng Long làm chủ đầu tư đang thấp thỏm lo sợ cho tính mạng của mình. Điều làm nhiều cư dân ở đây lo lắng hơn là “mồi lửa” ở tầng hầm. Tại đây, chủ đầu tư dùng một phần nơi gửi xe làm kho và để vải sát với xe cộ của cư dân. “Vải rất dễ cháy, chỉ cần một chút sơ hở là có thể gây ra thảm họa. Do vậy, việc chủ đầu tư để vải ở nơi có hàng trăm chiếc xe máy, ô tô là rất nguy hiểm, dễ xảy ra thiệt hại lớn” - ông Đỗ Văn Bình sống ở tòa A2 nói.

Tuy vậy, ông Bình cho hay cho đến nay, ông cùng các cư dân ở chung cư này không được thông báo, hướng dẫn về các biện pháp thoát hiểm khi có sự cố. Trong khi đó, hệ thống báo cháy tự động ở chung cư thường xuyên không hoạt động.

Còn tại tòa CT4 của chung cư Xa La (do DNTN số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư) đã xảy ra vụ cháy hôm 11-10, nhiều cư dân khẳng định cửa thang bộ thoát hiểm đã bị kẹt khi đám cháy xảy ra. Họ đã phải phá cửa mới có thể thoát thân. Ngoài ra, hệ thống báo cháy tự động của chung cư cũng hoạt động bất thường, thang máy thường xuyên bị hỏng và rơi tự do. Ngoài ra, cư dân cũng không được chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà trang bị các kiến thức, kỹ năng hoặc tổ chức các buổi diễn tập phòng khi xảy ra cháy. “Mà dù có trang bị thì với số lượng cư dân ở đây quá đông, việc tranh nhau cầu thang để thoát hiểm cũng là cả… vấn đề” - một cư dân lắc đầu.

 
Sân chung của một chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) thành bãi gửi xe và “bịt” vòi lấy nước PCCC. Ảnh: TUYẾN PHAN

Ở một chung cư khác tại Đại Kim, quận Hoàng Mai (cũng do DNTN số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư), nhiều cư dân bày tỏ bức xúc khi diện tích sân chung bị “xẻ thịt” làm nơi gửi xe. Theo đó, chủ đầu tư đã tự ý lấy khoảng sân chung giữa hai tòa nhà CT11 và CT12A làm bãi giữ xe. Theo anh Vũ Hùng (ở tòa CT11), bãi giữ xe đã “bịt” vòi nước PCCC tại khu vực. Cho nên nếu xảy ra cháy nổ thì xe cứu hỏa sẽ không thể vào lấy nước được thì hậu quả rất khó lường.

Lý do muôn thuở: Thiếu người

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về thực trạng PCCC ở các chung cư trên địa bàn nay, Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho hay trong số gần 780 công trình cao tầng ở Hà Nội đang hoạt động có 121 công trình được nghiệm thu về PCCC và 60 công trình chưa được thẩm duyệt. “Chủ đầu tư nhiều nhà cao ốc đã đưa khách hàng vào ở, thậm chí có khu có tới 80% căn hộ đã sử dụng dù chưa được nghiệm thu PCCC. Điển hình, DNTN số 1 Điện Biên đã đưa nhiều tòa nhà cao tầng vào sử dụng dù chưa được nghiệm thu về PCCC và trong đó đã có chung cư xảy ra cháy (là chung cư Xa La)” - Đại tá Sơn thông tin.

Ngoài ra, các công trình, nhà ở cao tầng còn mắc nhiều lỗi về an toàn PCCC như không đảm bảo về giao thông, khoảng cách PCCC, lối thoát nạn không đảm bảo và hệ thống PCCC nhiều nơi lại… tịt ngòi. Ông Sơn đánh giá, nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung lo bán căn hộ, thiếu trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy vậy, khi PV hỏi sẽ xử lý ra sao với các trường hợp chưa nghiệm thu, chưa đảm bảo an toàn PCCC mà để người dân vào ở, Đại tá Sơn lý giải: “Họ đã chuyển đến vào ở rồi thì về góc độ nhân văn không thể đẩy ngần ấy con người ra ngoài”.

Tuy vậy, Đại tá Sơn khẳng định Sở Cảnh sát PCCC sẽ kiên quyết kiến nghị thu hồi giấy phép xây dựng đối với các dự án công trình không đảm bảo các quy định về PCCC. Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ công trình khắc phục các khiếm khuyết và đề nghị các cơ quan liên ngành để xử phạt các trường hợp vi phạm. Với các công trình mới, Sở sẽ kiểm tra và chỉ cho phép đưa vào sử dụng các công trình đảm bảo an toàn PCCC. “Tuy vậy, Sở Cảnh sát PCCC không có đủ lực lượng để giám sát trực tiếp xem họ có tuân thủ các kiến nghị, yêu cầu của cơ quan chức năng hay không” - Đại tá Sơn trần tình.

Muốn sử dụng phải đảm bảo an toàn PCCC

Theo Luật Xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp có tiếng nói cuối cùng để cho phép chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng. Một trong các điều kiện để được xem xét là sự chấp thuận của cơ quan PCCC về đảm bảo PCCC.

Như vậy, chủ đầu tư các tòa nhà, công trình cao tầng phải tuân thủ các điều kiện về an toàn PCCC, an toàn chịu lực, môi trường… trước khi làm các thủ tục để được đưa tòa nhà vào sử dụng. Nếu công trình chưa đáp ứng các điều kiện trên mà vẫn khai thác thì trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư. Kế đến là cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, xây dựng.

Nếu tòa nhà chưa đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện về PCCC mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa nhà vào khai thác thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm.

PGS-TS TRẦN CHỦNG, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

HOÀNG VÂN ghi

Trách nhiệm chính ở vụ cháy chung cư Xa La thuộc về cơ quan PCCC. Cơ quan này đã kiểm tra, xử phạt chủ đầu tư nhưng phạt không vẫn chưa đủ mà phải có biện pháp cứng rắn hơn.

Họ đã để người dân vào ở song điều kiện về PCCC tại chung cư này không đảm bảo thì cơ quan này đã không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, tôi cho rằng cần phải xem lại trách nhiệm của họ và nếu có sai phạm thì phải xử lý.

Một cán bộ Bộ Xây dựng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm