Tại Hà Nội, lần đầu tiên có một triển lãm trưng bày các bức tranh biếm họa được chọn ra từ cuộc thi biếm họa chủ đề phòng, chống tham nhũng do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức.
Một trong những tác giả có tác phẩm trưng bày tại triển lãm này là ông Phạm Tấn Phú (sinh năm 1932), cũng là người lớn tuổi nhất có tác phẩm trưng bày.
“Căm ghét tham nhũng qua cọ vẽ”
Tác giả Phạm Tấn Phú không phải là cái tên xa lạ trong cộng đồng những họa sĩ biếm họa. Trưởng thành từ quân ngũ, là đại tá quân đội nên cảm quan và cách thể hiện trong các tác phẩm biếm họa của ông với rất nhiều bức tranh có hình ảnh người chiến sĩ cùng cách thể hiện dí dỏm nhưng rất sâu cay của người lính.
Ông Phú tâm sự: “Tôi không học vẽ ngày nào, đó là thiên bẩm nên tôi vẽ thôi”. Đến với hội họa từ sớm, đến với tranh biếm họa muộn hơn nhưng những năm gần đây, khi có rất nhiều câu chuyện thời sự từ cuộc sống và báo chí ông Phú mới chú tâm vào mảng đề tài phòng, chống tham nhũng.
Từng là người lính nên ông hay thăm đồng đội qua những lần viếng các nghĩa trang liệt sĩ trong khắp cả nước. Chứng kiến rất nhiều ngôi mộ của những chiến sĩ tuổi còn rất trẻ đã phải nằm lại ở đâu đó, nhiều ngôi mộ vẫn còn là liệt sĩ vô danh, tất cả đã tác động rất nhiều vào những bức tranh biếm họa của ông.
Tỉ mỉ lôi ra từ chồng tác phẩm ngồn ngộn và được lưu trữ cẩn thận của mình, họa sĩ giới thiệu với tôi bức biếm họa ông mới hoàn thiện gần đây. Ở đó ngoài hình ảnh của một người có chức, có quyền đang nằm phè phỡn trên những lợi lộc từ tham nhũng, đối lập với hình ảnh đó là triền miên những nấm mồ của các liệt sĩ và những người chiến sĩ một tay cầm súng, tay kia chỉ về phía quan tham với lời chú thích: “Bao anh hùng liệt sĩ chiến đấu, hy sinh vì tương lai, hạnh phúc của toàn dân tộc, không để bọn vô liêm sỉ các ngươi vinh thân phì gia”.
Ông Phú bên bức biếm họa mới nhất của mình. Ảnh: VIẾT THỊNH
Một trong những bức biếm họa với chủ đề phòng, chống tham nhũng của ông Phú. Ảnh: VIẾT THỊNH
Đả kích nhưng phải xây dựng
Ở tuổi 86, ông Phạm Tấn Phú vẫn cập nhật câu chuyện cuộc sống qua rất nhiều lăng kính, đặc biệt là thông tin qua báo chí. Đó là chất liệu để ông đưa vào tác phẩm của mình.
Nhìn lại chặng đường gắn bó với biếm họa, ông nhẩm tính: Bức biếm họa đầu tiên của ông là những năm 1963-1964, lúc ông vẫn còn công tác trong Trường Sĩ quan Lục quân. Thời đó, nhân đợt học tập chính trị “phản tỉnh” năm 1952, ông đã vẽ hàng chục bức tranh khơi dậy lòng căm thù với đế quốc, phong kiến, gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chống quân bành trướng xâm lược Trung Quốc, ông cũng đã có nhiều bức tranh đả kích sâu cay kẻ địch.
Tự nhận mình là người căm ghét tham nhũng nhưng vị đại tá quân đội ở tuổi 86 vẫn bày tỏ: “Ai căm ghét tham nhũng hơn ai thì rất khó để đánh giá nhưng riêng tôi thì tôi rất căm ghét tham nhũng”. Dù vậy, ông cũng đưa ra một quan điểm rất nghiêm khắc cho chính mình: “Đả kích nhưng phải trên tinh thần xây dựng”. Từ quan điểm này, nhiều bức họa của ông bên cạnh những thông điệp trực diện vào tham nhũng, tiêu cực cũng để lại cho người xem nhiều suy ngẫm.
Không ngày nào không cầm bút vẽ, bởi thế đến nay họa sĩ biếm họa Phạm Tấn Phú không thể nhớ được khối tài sản đồ sộ từ biếm họa của mình, ông chỉ nhớ con số đó rất nhiều, cũng nhiều như cách ông căm thù tham nhũng vậy.
Được hỏi về mong ước của bản thân, ông hào sảng nói: “Trời còn cho sức khỏe thì tôi còn vẽ biếm họa để đả kích tham nhũng và tiêu cực xã hội”. Rồi ông nhẩn nha đọc mấy câu thơ vừa mới sáng tác. “Năm nay tuổi ngót 90. Bệnh gì thì bệnh cũng cười cho qua. Người ta có số rồi mà. Cứ nghe số gọi thì ta lên đường”…
Họa sĩ Phạm Tấn Phú là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là chủ nhân của nhiều giải thưởng tại các cuộc thi tranh biếm. Tại triển lãm biếm họa với chủ đề phòng, chống tham nhũng, ông có bốn tác phẩm được trưng bày: Một người làm quan cả họ được nhờ; Tham nhũng bú ngân sách; Lộ nguyên hình; Cây tham nhũng phá hoại nền kinh tế. |