Triển lãm trưng bày 160 bức biếm họa được lựa chọn từ hơn 500 tác phẩm dự thi, trong đó 32 tác phẩm xuất sắc nhất được chọn trao giải.
Tại buổi họp báo trước thềm khai mạc triển lãm, ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) đánh giá các tác phẩm đã đề cập đến những vấn đề rất thời sự, mang tính báo chí và cập nhật. “Vấn đề rất nóng ngoài xã hội đều được phản ánh, ví dụ như việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm, làm giàu bằng chổi đót, đánh bạc online…” - ông Vi Kiến Thành nói.
Đặc biệt, cuộc thi không tìm ra người đoạt giải nhất. Cả ba tác giả đoạt giải nhì đều ở Hà Nội và TP.HCM.
Tác phẩm Sự thật phũ phàng của Trần Hải Nam đoạt giải nhì (không có giải nhất).
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về việc triển lãm có được trưng bày tại các cơ quan nhà nước hay không, ông Thành cho hay đơn vị tổ chức sẵn sàng trưng bày tại các cơ quan nhà nước nếu như được đề nghị. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết thêm: Việc lựa chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam làm nơi trưng bày các tác phẩm biếm họa cũng vì đây là nơi có lượt người đến tham quan đông đảo, gần với phố đi bộ Hà Nội nên sẽ thu hút nhiều người xem hơn.
Có tranh trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Hoàng Dzự (Dzím) ghi nhận nỗ lực khi lần đầu tiên một triển lãm về chủ đề phòng, chống tham nhũng do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, tuy nhiên theo họa sĩ biếm họa này, cuộc thi cũng như triển lãm này được tổ chức vẫn còn chậm.
Thêm vào đó, ông cũng cho rằng phần lớn các tác phẩm vẫn chỉ là minh họa những chuyện đã diễn ra rồi. “Tất nhiên cũng nội dung nhưng cần có bức tranh lý giải nguyên nhân tham nhũng là gì, hình thức tham nhũng như thế nào” - họa sĩ Hoàng Dzự nói.