Riêng người mẹ của ông làm liên lạc cho cách mạng, bị thương vào chân, rồi chết năm 1957, đến năm 1994 bà được truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng… Đó là gia đình ông Trần Quang Huấn (86 tuổi), ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa).
Vào những ngày này chúng tôi đến thăm gia đình, ông cẩn thận lấy trong tủ ra một bó giấy cuộn tròn, bọc nylon rất cẩn thận. Ông nhẹ nhàng mở ra cho chúng tôi xem, đó là những tấm bằng Tổ quốc ghi công, giấy báo tử, huân huy chương các loại…
Cụ ông lần giở những giấy tờ ghi nhận công lao đóng góp của những thành viên trong gia đình mình. Ảnh: Công Thi
Ông chia sẻ: Quê tôi ở Tiên Du, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Cha mẹ tôi đều tham gia cách mạng từ ngày đầu thành lập Đảng năm 1930. Trong suốt hai cuộc khánh chiến chống Pháp và chống Mỹ, các anh em tôi lần lượt hy sinh gồm Trần Quang Đình và Trần Quang Đốc, hy sinh năm 1950, Trần Đồng và Trần Quang Tiên, hy sinh năm 1967, còn tôi thì bị thương…trong số các anh hy sinh chỉ có anh Đồng đã có vợ, còn lại đều hy sinh lúc còn rất trẻ, đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Mẹ tôi là bà Võ Thị Cườm, nhiều năm tham gia làm giao liên cho cách mạng. Lúc mẹ bị thương và chứng kiến cảnh hai người con trai hy sinh, bà phải nén đau thương để tự điều trị vết thương. Tuy nhiên, do ngày đó không tìm được thuốc chữa trị hữu hiệu nên vết thương bị nhiễm trùng và bà chết năm 1957.
Nói đến đây ông nghẹn ngào rồi kể tiếp về người cha Trần Quang Lộc, sinh năm 1900 (chết năm 1961). Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, cha tôi gặp một người phụ nữ đã có một người con trai nhỏ.
Thấy hoàn cảnh của hai mẹ con rất éo le, ban đầu ông muốn cưu mang cả hai, nhưng rồi họ đã “hòa nhập” vào gia đình tôi một cách rất tự nhiên và bà trở thành mẹ kế của tôi (bà Mai Thị Sổ). Sau này bà sinh thêm được hai người con trai và một người con gái.
Kháng chiến càng ngày càng ác liệt, người con của mẹ kế là Lê Hữu Ngọc cũng lên đường đánh Pháp và hy sinh năm 1949. Kế tiếp là hai người em trai cùng cha khác mẹ với tôi là Trần Quang Hoành và Trần Quang Danh cũng lần lượt hy sinh… Như vậy, nếu mẹ tôi, Mẹ Việt Nam Anh Hùng có bốn người con liệt sĩ, tôi là thương binh thì cha tôi có đến bảy người con liệt sĩ…
Giọng ông trầm hẳn rồi ông chầm chậm tiến đến bàn thờ, nơi ấy là hương linh của cha mẹ ông và bảy anh em trai của ông...
Ông bảo mỗi năm ông đều làm "giỗ gộp" tưởng nhớ cha mẹ và bảy anh em của mình. Ảnh: Công Thi
Có đất nước nào như đất nước tôi? Là truyền thống ngàn năm đánh giặc. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, cả dân tộc nhất tề đứng lên để “Chín năm làm một Điện Biên” và hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Nhưng chiến tranh khốc liệt quá, bởi nó đã cướp đi biết bao người con thân yêu nhất của những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Điều càng kính trọng hơn, ngày ấy, mỗi khi có tiếng gọi của non sông, dù biết sẽ phải hy sinh nhưng không một người mẹ nào ngần ngại. Vẫn hồ hởi tiễn con mình lên đường đánh giặc. Những khẩu hiệu lúc nào cũng âm vang như mệnh lệnh: Xe chưa qua, nhà không tiếc - Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người… tất cả để giải phóng quê hương, thống nhất đất nước…
Giờ đây, gia đình ông Trần Quang Huấn cũng như bao gia đình khác, vẫn động viên cháu con biết trân quý, tự hào về truyền thống gia đình, quê hương và đất nước.
Hàng năm, gia đình ông không thể tổ chức giỗ cho mỗi người được, mà phải “gộp lại”, theo đó gia đình lấy ngày ông giỗ người mẹ kính yêu (ngày 7 tháng 7), cũng là giỗ cha và hương khói cho cả bảy anh em liệt sĩ trong gia đình…