Cử tri mong sớm có cơ chế vận hành TP Thủ Đức hiệu quả hơn

(PLO)- Cử tri nêu những nỗi lo về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xóa dự án treo và cơ chế cho TP Thủ Đức…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong ngày 4-5, các tổ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ năm, QH khóa XV tại các đơn vị số 10 (huyện Hóc Môn), số 2 (quận Bình Thạnh và quận 3).

Dân ủng hộ di dời nhưng lo chỗ ở mới

Tại đơn vị số 10, huyện Hóc Môn, nhiều ý kiến của cử tri nêu về tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường vành đai 3.

Cử tri Nguyễn Văn Bằng, xã Tân Thới Nhì, nêu băn khoăn về việc tại huyện Hóc Môn không có vị trí tái định cư gần nhất cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Cùng chung ý kiến, cử tri Lê Văn Giang, xã Tân Hiệp, cũng cho rằng nhiều người dân đồng tình với giá bồi thường đã gần sát giá thị trường nhưng rất băn khoăn về nơi tái định cư mới. Theo ông Giang, bà con đã định cư lâu đời trên mảnh đất cha ông để lại, là nơi “chôn rau cắt rốn” nhưng giờ tái định cư qua chỗ khác thì rất lo lắng. Nên cần công khai thông tin về địa điểm tái định cư để bà con an tâm…

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (bên phải)trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc tại quận 3 vào chiều 4-5. Ảnh: LÊ THOA

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (bên phải)trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc tại quận 3
vào chiều 4-5. Ảnh: LÊ THOA

Tiếp thu thắc mắc của cử tri, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết đến nay huyện Hóc Môn là địa phương dẫn đầu trong việc kiểm tra mặt bằng, thỏa thuận bồi thường, vận động người dân ủng hộ dự án đường vành đai 3. Trong đó, giá bồi thường sát với giá thị trường.

Đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết huyện Hóc Môn không có sẵn quỹ nền đất tái định cư, duy chỉ có khu vực ở xã Xuân Thới Đông là có. Qua thực tiễn xem xét thì khu vực tái định cư này rất thuận tiện giao thông, đường rộng 7 m, ra Quốc lộ 22 có 100 m, gần chợ, trung tâm thương mại… rất thuận tiện cho bà con sau này.

Với những trường hợp người dân không đủ điều kiện để được tái định cư thì được tạo điều kiện hỗ trợ mua căn hộ tái định cư. Có hai khu vực gần là ở quận 12 và huyện Bình Chánh để bà con có thể chọn lựa cho phù hợp với điều kiện kinh tế.

Mong mở rộng đường, giảm ùn tắc, tai nạn

Tại hội nghị ở huyện Hóc Môn, cử tri Huỳnh Văn Dũng, xã Xuân Thới Đông, kiến nghị tuyến đường Trần Văn Mười nối đường Phan Văn Hớn đến Quốc lộ 22 có đoạn đã được đầu tư, nâng cấp sửa chữa nhưng chưa hoàn thiện.

“Có một đoạn chưa thi công đã mấy năm nay. Khi mưa lớn thì ngập, trời nắng bụi bặm gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển” - ông Dũng phản ánh.

Cũng về lĩnh vực giao thông, cử tri Trần Văn Xê, xã Xuân Thới Thượng, nêu thực tế hai công trình được người dân mong đợi là xử lý hai điểm nút giao thông quan trọng trên địa bàn là ngã tư Hóc Môn và ngã tư Trung Chánh vì đây là “hai ngã tư kẹt xe, ùn ứ triền miên, đã kiến nghị nhiều lần với mong muốn cải thiện để người dân, doanh nghiệp di chuyển thuận tiện”.

Cử tri Huỳnh Ngọc Lai, xã Xuân Thới Thượng, cho biết khu vực đường Nguyễn Văn Bứa từ ngã ba Giồng lên cầu Lớn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông Lai, tuyến đường này ở phía tỉnh Long An thì to rộng, xe cộ lưu thông dễ dàng nhưng đoạn ở phía huyện Hóc Môn thì quá hẹp. Trong khi đó, nơi này là điểm giao giữa nhiều tuyến đường, vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn ứ, kẹt xe liên tục.

Sẽ có cơ chế ủy quyền từ TP.HCM xuống TP Thủ Đức

Chiều 4-5, tổ ĐBQH đơn vị số 2 tiếp xúc với cử tri quận 3. Tại đây, cử tri Nguyễn Hữu Châu (ngụ phường Võ Thị Sáu) bày tỏ băn khoăn khi thành lập TP Thủ Đức mà chưa chuẩn bị về thể chế, chính sách khiến TP Thủ Đức vẫn chỉ là cấp quận.

“Bất cập này khiến cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều vì quá tải sau khi sáp nhập ba quận, còn khả năng và chất lượng phục vụ người dân lại giảm” - cử tri Châu nói.

Ông dẫn chứng nhiều vấn đề trong quản lý đô thị kéo dài không được giải quyết dứt điểm, có dự án treo mấy chục năm qua như khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, trước đây là quận 9, hiện vẫn là đồng cỏ nằm lọt giữa trung tâm TP Thủ Đức.

Trao đổi với cử tri, ĐBQH Đỗ Đức Hiển nhìn nhận khi thành lập TP Thủ Đức đã thực hiện sáp nhập ba quận một cách cơ học, chưa kèm theo cơ chế, chính sách đặc thù. Vừa qua, TP.HCM đã sơ kết về vấn đề này, hiện dự thảo Nghị quyết 54 sửa đổi sẽ trình QH cho ý kiến trong kỳ họp tới.

“Trong đó sẽ có nhiều chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức từ cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ, các cơ chế ủy quyền của TP.HCM và sở, ngành thuộc TP.HCM cho TP Thủ Đức…” - ĐBQH Đỗ Đức Hiển thông tin.

Ông Hiển cho rằng nếu nghị quyết được thông qua sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù mới nhằm khắc phục các vướng mắc gặp phải trong thời gian qua.

Cử tri bức xúc với quy hoạch treo, lãng phí đất

Tại đơn vị số 2, quận Bình Thạnh, cử tri Lê Thị Hương Loan (ngụ phường 28) nêu việc nhiều quy hoạch treo hơn 30 năm tại quận Bình Thạnh khiến đời sống của người dân khó khăn, không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở, cuộc sống chật chội, ẩm thấp do triều cường...

Cử tri Tạ Thị The (ngụ phường 25) phản ánh tuyến đường Ung Văn Khiêm nằm trong dự án treo kéo dài, các hộ dân ở đây trong tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, tuyến đường này lại hẹp, hai chiều thường xuyên ùn tắc, ngập lụt do mưa và triều cường.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết sau khi kiểm soát dịch bệnh, TP đã đặt quyết tâm phấn đấu để bù đắp khoảng thời gian đã mất do chống dịch, trong đó tập trung các dự án trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau khi rà soát kỹ lại, có một số dự án chưa đảm bảo về điều kiện, vướng mắc nên chưa thể giải ngân.

Hiện Thành ủy đã lập một nhóm 12 lãnh đạo phụ trách các dự án trọng điểm của TP nhằm trực tiếp giám sát cùng các đơn vị đầu tư, thi công, quản lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm