Tối 2-7, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2 gồm bà Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh, sau kỳ họp thứ 7, QH khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận Bình Thạnh đã cho ý kiến liên quan đến các vấn đề được quan tâm nhiều trong xã hội hiện nay như chính sách tiền lương giữa lương hưu và lương cơ sở, vấn đề thiếu cát xây dựng tại các công trình trọng điểm và cân nhắc yếu tố tác động khi sử dụng cát biển để thay thế.
Tại sao có sự chênh lệch 15% giữa lương hưu và lương cơ sở?
Cử tri Trần Quang Tân (phường 3) nêu việc chênh lệch 15% giữa lương cán bộ hưu trí sau năm 1995 và lương cơ sở của cán bộ công chức, viên chức đương thời.
"Cán bộ hưu trí từ những năm 95 trở về trước có mức lương rất thấp, nhưng chỉ tăng vỏn vẹn 15%, trong khi công chức, viên chức đương thời có mức lương cơ sở đã cao nhưng được tăng đến 30%" - ông Tân cho rằng đây là điều chưa hợp lý và cần phải điều chỉnh để hài hòa mức sống giữa hai thế hệ.
Trả lời, ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho biết việc điều chỉnh lương hưu dựa trên việc tăng chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chi trả của BHXH và hỗ trợ của chính sách nhà nước, có sự độc lập tương đối với việc tăng lương cơ sở của những người trực tiếp lao động sản xuất.
Ông Hiển cho biết thêm, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 mức lương hưu được điều chỉnh tăng 8%, năm 2022 tiếp tục điều chỉnh tăng 7,4% trong khi lương cơ sở không tăng. Như vậy, mức tăng lương hưu 15% hiện nay theo quyết định của QH và với hai lần tăng trước đó cộng lại tương đương với mức tăng lương cơ sở. Trên cơ sở xem xét rất kỹ lưỡng, QH đã quyết định tăng 15% và mức tăng này tương đối đảm bảo tương quan hài hòa giữa hai mức lương.
Cân nhắc khi sử dụng cát biển làm công trình
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Phan Văn Lực (phường 13) đã có ý kiến cho rằng việc lấy cát biển thay cát sông làm vật liệu san lấp nền cho đường cao tốc là chưa có tiền lệ, tác động trực tiếp đến hệ sinh thái nước ngọt.
Theo ông Lực, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc sử dụng cát biển thay cát sông là cuộc đánh đổi với nhiều rủi ro khi nơi đây có nhiều cánh đồng cao và thấp, vùng trũng, có nền đất yếu.
"Các Bộ phụ trách vấn đề này phải chịu trách nhiệm nghiên cứu, triển khai việc lấy cát biển thay cát sông kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông tin cụ thể đến người dân trước khi thực hiện" - ông Lực kiến nghị đến ĐBQH.
Cử tri Nguyễn Minh Hùng (phường 2) thì lại cho rằng việc sử dụng cát biển thay thế cát sông tại một số nước như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Đức,... đã sử dụng từ nhiều năm qua nhưng hiện nay các Bộ liên quan vẫn còn đang thử nghiệm cát biển và chưa dám thay thế hoàn toàn. Ông Hùng mong Nhà nước nên mua lại hoặc chuyển nhượng các phát minh công nghệ dùng để phục vụ cho đất nước, những nơi đang khan hiếm nguồn cung.
Là ĐB phụ trách chất vấn vấn đề này tại kỳ họp QH vừa rồi, bà Trần Kim yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã có câu trả lời đến cử tri. Bà Yến cho biết trong cùng một giai đoạn nhưng khi triển khai nhiều dự án lớn thì việc đảm bảo nguồn cung về nguyên vật liệu là vấn đề rất quan trọng.
Do đó, việc không đủ cát thực hiện và tìm ra các vật liệu khác để thay thế, đảm bảo tiến độ dự án là vấn đề hết sức khó khăn và cát biển là một trong những phương án được nghiên cứu rất kỹ.
"Hiện nay chúng ta vẫn khai thác được các mỏ cát sông nhưng phải hết sức thận trọng, nếu không thận trọng thì không chỉ là vấn đề xâm nhập mặn, mà còn có nguy cơ xói mòn, sạt lở như tại các tỉnh miền Tây" - Bà Yến thông tin.
Đối với giải pháp sử dụng cát biển, bà Yến cho biết trước khi sử dụng thì cát biển sẽ được rửa mặn, đảm bảo không đem mặn vào trong các vùng trũng và việc sử dụng một nguyên liệu thay thế như cát biển phải hết sức cẩn trọng, có đánh giá tác động môi trường.
"Mong muốn của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các cơ quan trung ương là làm sao có thể áp dụng nhiều các biện pháp không làm ảnh hưởng đến môi trường và không ảnh hưởng đến tiến độ dự án" - bà Yến nói.