Cử tri TP.HCM kiến nghị sớm cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức

(PLO)- Nhiều cử tri cho rằng tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công chậm gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 7, đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri quận Phú Nhuận trước kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

Tổ ĐBQH đơn vị số 7 gồm Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP; bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP; bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM.

Cử tri Vũ Thị Kim Anh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Cử tri Vũ Thị Kim Anh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri chia sẻ các đề xuất để xây dựng TP.HCM phát triển và góp ý nhiều chính sách pháp luật.

Cử tri Vũ Thị Kim Anh (phường 15) nêu ý kiến về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đến nay mới đạt 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao, nhiều công trình trọng điểm còn chậm giải ngân. Chủ tịch UBND TP cần chỉ đạo quyết liệt vấn đề này và quy trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, đơn vị.

Còn cử tri Lâm Như Quyền (phường 5) nêu vấn đề về cải cách tiền lương và kiến nghị ĐBQH xem xét có ý kiến trước QH. Theo ông Quyền, thống kê từ 2020 - 2022, cả nước có hơn 39.500 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

Nguyên nhân là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, thu nhập trung bình thấp so với người lao động trong khu vực sản xuất nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

“Nhiều ý kiến cho rằng, khối lượng công việc của cán bộ, công chức TP.HCM nhiều so với cả nước. Do đó, tôi đề nghị QH sớm triển khai các chủ trương cải cách tiền lương, nhất là đối với công chức cấp cơ sở và dưới cơ sở” - ông Quyền nói và đề xuất tăng lương cơ sở trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương nhằm giúp ổn định đời sống cán bộ.

Cử tri Lâm Như Quyền nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Cử tri Lâm Như Quyền nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Cử tri Nguyễn Thị Triết (phường 3) cũng cho rằng chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến đời sống của cán bộ còn nhiều khó khăn.

Cử tri nêu: "Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động, tiền lương ở khu vực công còn thấp so với doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức".

Theo cử tri Triết, mặc dù đã có nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung và từng bước hoàn thiện nhưng có một số bất cập như tiền lương khu vực công còn thấp; thiết kế hệ thống bảng lương phức tạp, không phù hợp vị trí việc làm, chức danh, chức vụ; chưa tạo động lực nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động.

Củ tri này cũng cho rằng cải cách tiền lương là để đảm bảo cho đời sống người lao động và gia đình của họ. Từ đó tạo động lực sản xuất, ổn định xã hội. Do đó bà đề nghị QH tiếp tục thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, người có thu nhập thấp để họ ổn định cuộc sống, an tâm làm việc.

Trao đổi lại với cử tri liên quan đến vấn đề đẩy nhanh giải ngân đầu tư công giúp tạo động lực cho TP.HCM phát triển, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho hay QH đã tạo điều kiện cho TP.HCM bằng các cơ chế được quy định tại Nghị quyết 54/2017.

Theo bà Lan, TP.HCM là trung tâm và là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng các chính sách dành cho TP chưa tương thích. "Có thể thấy “cái áo” đã quá chật với TP” - bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho biết đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu tất cả đóng góp của cử tri về vấn đề tinh giảm bộ máy, tinh giảm biên chế, cải cách chế độ tiền lương cũng như xây dựng chính quyền đô thị và phát triển TP bền vững.

Rút giấy phép các cơ sở không đảm bảo hoạt động PCCC

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Vũ Thị Kim Anh bày tỏ về lo ngại đối với công tác phòng cháy chữa cháy tại địa phương hiện nay. Cụ thể, cử tri cho rằng, các vụ cháy gây ảnh hưởng nhiều đến tài sản, tính mạng của người dân nhưng rất ít có vụ cháy nào nêu lên trách nhiệm của người quản lý cơ sở dịch vụ trước pháp luật.

“Đa phần người làm quản lý dịch vụ đi thuê cơ sở nên họ không quan tâm đến vấn đề PCCC mà đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu” - bà Anh viện dẫn và đề nghị các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra để có hình thức xử lý.

"QH, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra và xử lý quyết liệt vấn đề này, đồng thời rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở hoạt động không đảm bảo PCCC" - cử tri đề nghị.

Ngoài ra một số cử tri cũng đề cập đến việc giám sát, kiểm tra quá trình mua sắm máy móc, thiết bị, thuốc men tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Đồng thời cử tri cũng kiến nghị đưa bệnh Parkinson vào danh mục được chi trả bảo hiểm y tế để giảm nhẹ gánh nặng cho người bệnh.

Về vấn đề này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết đã tiếp thu và ghi nhận ý kiến của cử tri. Bà cho biết sẽ cùng với các ĐBQH khác có ý kiến nhằm góp phần để BHYT có thể lo được hết cho tất cả các loại bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm