Cử tri kiến nghị giải quyết vấn đề biên chế và đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu quy hoạch

(PLO)- Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận 12, đoàn ĐBQH TP.HCM đã nhận 12 lượt ý kiến, nhiều cử tri đặt vấn đề cần đảm bảo biên chế cho phường đông dân và quyền lợi của người dân trong khu quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 4-10, tổ ĐBQH đơn vị số 4, đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri quận 12 trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổ ĐBQH đơn vị số 4 gồm Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Từ đô thị phát triển đến vùng núi, hải đảo đều chung một biên chế

Tại hội nghị, cử tri Ngô Văn Hồng, phường Trung Mỹ Tây cho biết, sau khi có Nghị định 34/2019/ NĐ-CP tinh giảm biên chế, phường Trung Mỹ Tây giảm từ 50 người xuống còn 34 người, công việc nhiều hơn nhưng lương ít hơn.

Đơn cử, có cán bộ không chuyên trách trước kia làm cán bộ tổ chức trong văn phòng Đảng ủy phường được 5,2 triệu/tháng, nay chuyển sang làm Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường và kiêm nhiệm thêm việc thường trực khối vận nhưng lương nhận được là 4,5 triệu/tháng.

“Cháu đó đã làm việc 14 năm mà lương chỉ hơn 4 triệu, vậy thử hỏi cán bộ, công chức, viên chức phường xã khác lương cũng như vậy thì còn an tâm làm việc không? Một số tổ trưởng làm việc ở khu phố và tổ dân phố được xem là cánh tay nối dài của chính quyền qua đợt dịch COVID-19 giảm 50%. Vấn đề này từ cấp phường, cấp quận, cấp TP đều biết nhưng chưa cấp nào giải quyết”- Ông Hồng đặt vấn đề.

Cử tri Ngô Văn Hồng nếu kiến nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cử tri Ngô Văn Hồng nếu kiến nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trả lời kiến nghị của cử tri, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết vấn đề biên chế, công chức ở các phường xã trên địa bàn TP, đoàn ĐBQH TP.HCM đã kiến nghị nhiều lần với Quốc hội khi xây dựng và góp ý văn bản luật liên quan đến tổ chức hành chính và chính quyền địa phương.

“Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cần xem xét nghiên cứu làm sao để không còn cào bằng mà phải xét theo đặc điểm địa phương. Hiện nay chỉ có quy định chung, mức chung cho các tỉnh thành, từ đô thị phát triển loại đặc biệt đến vùng núi, hải đảo có một định mức chung. Ở hải đảo còn có những đặc thù khác hơn so với đô thị loại đặc biệt”- Bà Tuyến nói.

Bà Tuyết nhìn nhận, thời gian vừa việc nhân viên y tế nghỉ việc cũng phần lớn vì lí do này. Thu nhập thấp nhưng công việc quá nặng nề, nhất là trong giai đoạn dịch. Nhiều cán bộ khi nghỉ ở hệ thống công và ‘nhảy việc’ sang hệ thống tư thì lương tăng ngay gần gấp đôi, thậm chí bác sĩ tăng gấp ba.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng gặp khó khăn trong giai đoạn dịch, họ chỉ có thu nhập cơ bản, giáo viên các trường tư thậm chí không thu nhận, Ngoài ra, áp lực dạy học với chương trình mới, yêu cầu mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy khiến giáo viên chịu nhiều sức ép nên xin nghỉ chuyển sang công việc khác để phù hợp hơn với sức khoẻ.

Đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, cử tri Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phường Tân Thới Hiệp đề nghị đối với việc quy hoạch đất đai, chính quyền cần xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân đề ra quy hoạch nhưng không thực hiện hoặc quy hoạch treo kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

“Những cá nhân, tổ chức này cần bồi thường tổn thất cho người dân khi đặt ra quy hoạch nhưng không làm”, bà Hạnh nói.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Văn Thị Bạch Tuyết trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trả lời vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết nhìn nhận, việc quy hoạch hạ tầng, khu vực đô thị là việc cần thiết để đảm bảo việc phát triển TP trong tương lai, và đảm bảo dịch vụ sống cho người dân như điện, đường, trường, trạm,… Tuy nhiên nhà nước hiện nay chưa đủ nguồn lực để triển khai thực hiện.

“Đoàn ĐBQH có kiến nghị với trung ương là nếu quy hoạch thì phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người dân, phải làm sao để đảm bảo chủ quyền, giấy tờ, quyền sử dụng đất cho người dân,...”- Bà Tuyết thông tin với cử tri.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, lần này, khi sửa luật đất đai Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục có ý kiến liên quan quyền sử dụng đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thông qua luật đất đai vào kỳ họp cuối năm 2023, năm 2024 sẽ có hiệu lực.

“Theo tiến độ này, đầu năm 2023 Quốc hội sẽ lấy kiến toàn dân, chính vì thế chúng tôi mong cử tri sẽ quan tâm đến dự án luật này, nghiên cứu và đóng góp ý kiến để luật đi vào cuộc sống và giải quyết được những vướng mắc khó khăn của người dân”- Bà Tuyết bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm