Goro là một thị trấn ở vùng Emilia-Romagna (miền bắc nước Ý), tiếp giáp biển Adriatic. Nơi này nổi tiếng với nghề đánh bắt nghêu. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân địa phương, góp phần làm cho thị trấn này trở nên sung túc hơn trong những thập niên qua, theo tờ The New York Times.
Ông Massimo Genari là lãnh đạo một hợp tác xã đánh bắt hải sản ở Goro. Ông bắt đầu công việc từ lúc trời còn chưa sáng. Hàng ngày, trên đường đến chỗ làm, ông phải lái xe qua vòng xoay trung tâm thị trấn - nơi đặt tác phẩm điêu khắc là biểu tượng của Goro, khắc họa hai con nghêu mắc trong tấm lưới.
Một ngày nọ, khi ông Genari đổ mẻ nghêu đầu tiên vào máy phân loại kích cỡ nghêu trên tàu đánh bắt, những con nghêu chạm vào máy kêu leng keng như tiếng những đồng xu. Nhưng thay vì vui mừng vì vừa vừa trúng một mẻ nghêu lớn, ông Genari giật mình khi thấy trong mẻ lưới chỉ toàn vỏ nghêu cùng những con cua xanh.
Lũ cua này đã ăn hết phần thịt của những con nghêu mắc vào lưới.
Cuộc xâm chiếm của cua xanh
Người dân ở thị trấn Goro đang cố gắng cứu lấy nghề đánh bắt nghêu truyền thống của địa phương khỏi sự tận diệt của những con cua xanh. Bảo vệ nghề đánh bắt nghêu cũng là để bảo vệ món paghetti alle vongole (mì Ý với nghêu) - món ăn được yêu thích trên khắp nước Ý.
“Chúng tôi đang mất đi bản sắc của mình” - bà Arianna Zucconelli (44 tuổi) một người mua cá ở Goro, cho biết, Bà Zucconelli nói rằng không có nghêu, thị trấn Goro sẽ nghèo đi và món mì Ý truyền thống của vùng sẽ trở nên nhạt nhẽo.
“Thị trấn này được xây dựng trên những con nghêu. 80% dân số trong thị trấn sẽ không có thu nhập” - bà Zucconelli nói.
Cua xanh có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia không biết bằng cách nào và từ khi nào loài cua này đến được nước Ý.
Một số người cho rằng những con cua con đã theo tàu chở hàng đến Ý từ nhiều thập niên trước.
Hạn hán gần đây xuất hiện thường xuyên hơn ở miền bắc nước Ý, khiến nước biển xâm nhập các cửa sông Po. Nước sông kết hợp với nước biển tạo nên môi trường nước lợ, giúp cho loài cua phát triển mạnh.
Theo The New York Times, mùa xuân năm nay, lũ lụt xuất hiện ở vùng Emilia-Romagna. Nước lũ đã cuốn những con cua trưởng thành từ vùng cửa sông vào vùng khai thác nghêu. Tại đây, môi trường nước ấm áp, nguồn thức ăn dồi dào, cộng với không có động vật ăn thịt đã khiến số lượng cua xanh phát triển chóng mặt.
“Bữa tiệc đã được dọn sẵn cho loài cua xanh” - ông Eduardo Turolla, nhà khoa học về động vật thân mềm ở Goro, nói.
Nỗi kinh sợ và chán ghét loài cua xanh có thể dễ dàng nhìn thấy khắp nơi ở Goro. Tại một quán nhậu trong vùng, các ngư dân thường tụ họp để chửi rủa loài cua xanh và kể nhau nghe những câu chuyện đáng sợ mà loài vật này gây ra.
Ông Genari cũng cho biết nhiều đứa trẻ trong vùng đã bị cua kẹp vào ngón tay, ngón chân đến nổi phải đi cấp cứu.
Không dễ xử lý
Để hạ số lượng cua xanh trong vùng, ông Genari và các ngư dân trong vùng đã thành lập đội tàu rà bắt cua xanh. Theo ông Genari, mỗi ngày, đội của ông bắt được khoảng 10 tấn cua.
“Hoặc là chúng sống sót, hoặc là chúng tôi sống sót” - ông Genari nói.
Sau khi được đánh bắt, cua xanh sẽ được mang vào bến tàu để phân loại. Những con cua to, chất lượng sẽ được mang đi chào hàng cho các thương lái. Những con cua không đủ tiêu chuẩn sẽ bị đưa đi tiêu hủy.
Trên thực tế, không có nhiều doanh nghiệp thu mua cua ở Goro và giá cua thu mua tại chỗ rất rẻ. Các ngư dân cho biết giá bán cua thấp đến nỗi nhiều khi không đủ để bù vào chi phí xăng dầu.
Chính phủ Ý cũng vào cuộc xử lý loài cua xanh. Họ tổ chức chiến dịch kêu gọi người dân mua cua xanh làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Gần đây, Thủ tướng Ý - bà Giorgia Meloni đã đăng tải một bức ảnh bà thưởng thức món cua xanh. Bộ trưởng Nông nghiệp Ý - ông Francesco Lollobrigida cũng quay một video có cảnh ông cầm một con cua xanh sống đứng cạnh cái nồi để chế biến nó.
Trong khi đó, các siêu thị trên khắp nước Ý đăng biển quảng cáo: “Cua xanh: Công thức cứu biển!”. Các công ty thủy sản thì đang cố gắng xuất khẩu loại hải sản này.
Cua xanh được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và sắp tới sẽ hướng tới thị trường Tây Ban Nha. Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu hải sản thừa nhận rằng thị trường khó tính nhất là thị trường nội địa Ý.
Ở Mỹ, người ta có thể cách tân món cua bằng những gia vị mới. Nhưng ở Ý, người dân lại không ưa chuộng những cách chế biến mới lạ và rất chú trọng đến cử chỉ trên bàn ăn. Do đó, không dễ bắt gặp hình ảnh người Ý dùng tay bóc vỏ cua ở các nhà hàng.
Loại thực phẩm này cũng không được nhiều người chọn làm quà tặng.
“Lần đầu tiên tôi mang cua tặng cho cô bạn người quen, cô ấy tỏ ra thích thú và vui vẻ nhận. Lần thứ hai tôi mang cua tặng, cô ấy ném cua vào đầu tôi” - ông Genari kể.