"Hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng đã có chủ trương thực hiện từ lâu, nhằm đảm bảo an toàn hàng không và thay thế cho lượng nhân viên kiểm tra đường băng mỗi ngày. Trong đó, Cục chú trọng hai sân bay quốc tế là Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội)..." - ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, thông tin như trên tại buổi họp báo Bộ GTVT diễn ra ngày 5-4.
Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, hiện trên thế giới, các nhà sản xuất hệ thống phát hiện vật thể lạ không nhiều. Cục Hàng không đã nhận được ba bảng báo giá của các nhà sản xuất trên thế giới và đã báo cáo lên Bộ GTVT xem xét. Tuy nhiên, ba bảng báo giá này chưa được kiểm chứng.
Bộ GTVT trả lời những thắc mắc của người dân xung quanh dự án đuổi chim. Ảnh: VIẾT LONG
"Vì vậy, số tiền 1.000 tỉ đồng cho hệ thống phát hiện vật thể lạ trên không phải là giá chính thức. Vì trong quá trình thực hiện, chắc chắn Cục sẽ đấu thầu quốc tế để đưa ra mức giá phù hợp...” - ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng khẳng định ngoài việc tính mua hệ thống phát tín hiệu vật thể lạ, đơn vị cũng đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học trong nước để triển khai dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ.
"Nếu các nhà khoa học sản xuất được, Cục Hàng không sẽ lắp đặt thử nghiệm ở một đường băng, sau đó sẽ nhân rộng. Với hệ thống trong nước sản xuất chắc chắn sẽ rẻ hơn giá của ba nhà sản xuất nước ngoài..." - ông Thanh khẳng định.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tái đề xuất Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức đầu tư trên là quá đắt đỏ và cao hơn thực tế.
Chim trời làm chậm chuyến bay Theo thống kê của Cục Hàng không, trong hai năm 2014-2016, tại hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xảy ra 156 vụ liên quan tới vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập đường băng. Riêng năm 2016, có tới 20 sự cố xảy ra do chim va và máy bay bị cắt lốp. |