Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, tuy chúng ta cùng một gốc nhưng ở cả ba miền đều có cách gọi tên khác nhau cho phong tục cúng này. Nếu miền Bắc gọi là cúng hóa vàng tổ tiên, miền Trung là cúng tiễn ông bà, thì miền Nam đã quen rồi cái tục cúng tất.
Việc cúng tất mang tính gia đình và dòng họ, nếu quy mô lớn sẽ tổ chức ở nhà từ đường. Khi đó, bà con trong các chi tộc sẽ tựu về cùng nấu nướng làm các món trước là cúng kính ông bà tổ tiên, sau là cùng nhau dự tiệc. Kết thúc thì ai về nhà nấy, trở lại công việc bình thường.
Quy mô nhỏ thì từng gia đình, tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà có ngày cúng tất khác nhau, thường là sau ngày mùng 3. “Đặc biệt, không được tổ chức cúng tất vào mùng 5 vì kiên kỵ ngày vua xuất cung mùng 5, 14, 23. Thường tổ chức cúng tất vào mùng 4, mùng 6 hoặc mùng 8. Khi cúng sẽ có cúng nhiều món như cháo gà, cơm canh, món kho, món luộc, bánh trái...và đốt vàng mã như quần áo, nón, dép, tàng lọng...cho ông bà đã khuất” - diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.
Không chỉ tên gọi khác nhau, mà ở cả 3 miền Nam-Trung-Bắc yếu tố ẩm thực trên bàn cúng từng miền cũng không hề giống nhau.
Cụ thể, miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2 - 3 tầng.
Mâm cỗ cúng miền Bắc thường khá nghiêm ngặt, ít nhất phải có 4 đĩa, 4 bát không kể xôi và nước chấm. Gia đình khá giả, có điều kiện thì chuẩn bị tới 8 đĩa, 8 bát. Món ăn bày trên đĩa, cơ bản là có thịt gà, thịt heo, nem thính, giò lụa. Cũng có thể thêm giò thủ, thịt đông, chả đẫy, nộm su hào, nộm rau cần và các món xào. Bát thì gồm bát ninh, bát hầm, bát miến, bát mọc, ngoài ra còn có các món tần. Các món bày trên đĩa được dùng trước, thường là để nhắm với rượu và ăn chung với xôi.
Người miền Trung thường chú trọng nhiều đến yếu tố lưu trữ. Trong đó, món bánh tét thì được gói thật chặt, nhân bánh chỉ đơn giản có đậu xanh, và lượng đậu xanh trong bánh cũng không quá nhiều, vì vậy có thể để giành được gần cả tháng. Món dưa - món dùng ăn chung với bánh tét được làm từ đu đủ, củ cải trắng và cà rốt phơi khô, ngâm với nước mắm được, để lâu đến mấy tháng vẫn giòn, ngon.
Ngoài ra, còn có những món thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm, món tré, chả, nem. Miền Trung còn là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” trong phong cách ẩm thực. Trong bữa ăn hàng ngày, hầu như loại thức ăn nào cũng có thể trở thành món cuốn đối với người miền Trung, từ thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, rồi thịt kho, cá kho, cá hấp cũng có thể cuốn chung với bánh tráng và rau sống.
Còn mâm cúng ông bà ở miền Nam dịp Tết đến thì nhà nào cũng có nồi thịt kho nước dừa ăn với dưa giá, dưa món, củ kiệu. Có củ kiệu thì còn phải chuẩn bị tôm khô. Đây là một món đơn giản mà người miền Nam nào cũng chuẩn bị cho ngày Tết. Bên cạnh đó, trong nhà cũng luôn có một nồi khổ qua hầm với mong muốn cực khổ qua đi. Đây cũng là một món ăn có tính mát, giúp tiêu thực và giải độc, phù hợp cho những ngày đầu năm.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang còn chỉ ra, ở mâm cơm tết miền Nam cũng không thể thiếu món bánh tét. Bánh tét miền Nam thoạt nhìn cũng giống với bánh tét miền Trung, nhưng thực tế có nhiều khác biệt. Chính sự khác biệt ấy, càng làm cho ngày Tết của ba miền càng thêm đặc sắc và ý nghĩa hơn.