Cùng tiến sĩ 'Dạy con trong 'hoang mang'

Sáng 23-6, đông đảo phụ huynh nhiều lứa tuổi đã đến Đường Sách TP.HCM để nghe tiến sĩ lãnh đạo giáo dục chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC) Lê Nguyên Phương gỡ rối. 

Tác giả - tiến sĩ Lê Nguyên Phương

Tiến sĩ Phương mở đầu buổi giao lưu bằng chia sẻ ông viết quyển sách để hòa giải với tuổi thơ của mình. Bởi tuổi của ông đã trải qua những chấn thương tâm lý kéo dài đến tận bây giờ do người thân của ông vô ý gây nên bằng lời nói.

Ông cũng kể câu chuyện một người bạn của mình đã nóng ruột ra sao khi chứng kiến cha mẹ của cháu ngoại mình quá khắc nghiệt với đứa con chỉ mới hai tuổi. Khi hỏi thì hai người cha mẹ kia bảo mình đang dạy con theo kiểu Nhật với những kỷ luật nghiêm khắc. Tiến sĩ Phương bày tỏ: “Tại sao chúng ta là người Việt, mang trong mình văn hóa Việt lại dạy con cứng ngắc theo một nền văn hóa nào đó, và lại được công thức hóa thành nuôi con theo kiểu Nhật, nuôi con theo kiểu Mỹ, kiểu Đức, kiểu Do Thái…?”.

Tiến sĩ bảo rằng ông viết quyển sách này không chỉ cho những người làm cha mẹ mà còn viết cho những người làm ông bà vì thời nay trẻ thường được giao cho ông bà nuôi còn ba mẹ thì bận rộn công việc.

Đông đảo phụ huynh nhiều lứa tuổi đến tham dự.

Theo tiến sĩ Phương, không ai là thánh cả để lúc nào cũng giữ được tâm trạng vui vẻ, bình tĩnh trong cuộc sống. Trong việc dạy con cũng thế, không phải lúc nào cha mẹ cũng giữ được sự bình tĩnh, tránh được sự tức giận. Tuy nhiên, tâm trạng, lời nói, hành động khi tức giận của cha mẹ có thể vô tình làm chấn thương tâm lý, bạo hành tinh thần đứa trẻ, tạo nên những vết thương, khiếm khuyết về nhân cách khi trẻ lớn.

Những tổn thương, khiếm khuyết tính cách này ở trẻ nếu không biết có thể đổ cho cá tính riêng của trẻ. Đứa trẻ còn nhỏ sẽ không hiểu được khi cha mẹ có lúc quá nghiêm khắc, có lúc lại quá yêu thương…

Bạn đọc trẻ cũng đặt câu hỏi, chia sẻ câu chuyện về cách dạy con của ba mẹ mình.

Vậy nên, tiến sĩ Phương cho rằng: “Cha mẹ hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện. Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta.

Chúng ta có thể mong con không phải khổ cực trong mưu sinh như chúng ta, nhưng không nên biến chúng thành những đền bù cho những gì chúng ta chưa làm được”.

Với câu hỏi của một phụ huynh làm sao nghiêm khắc dạy con hư, quấy mà không làm tổn thương đến thể chất hay tinh thần của trẻ bằng la mắng hay đòn roi, tiến sĩ Phương trả lời: Hãy học cách nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh khi tức giận lúc dạy con. Hãy trở thành một phụ huynh từ nghiêm vừa nghiêm khắc vừa từ bi bao dung, thương yêu. Có thể la mắng, nghiêm khắc với con nhưng phải xuất phát từ tình thương yêu. Sự la mắng, nghiêm khắc xuất phát từ tình thương yêu sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự khác biệt với việc la mắng, nghiêm khắc xuất phát từ sự bực dọc, tức giận, trút giận.

Việc giáo dục một đứa trẻ như thế nào phải tùy thuộc vào sự phát triển trí tuệ, khả năng tiếp thu của trẻ chứ không nên theo một công thức cứng ngắc. Hãy giải thích cho trẻ hiểu ở mức của trẻ. Hãy đặt hết tâm trí vào trẻ vì trẻ sẽ cảm nhận được nếu cha mẹ quan tâm hay không quan tâm đến mình.

Tác giả luôn tiến gần đến bạn đọc chia sẻ.

Có phụ huynh đã nêu trường hợp những cha mẹ sợ con bị bắt cóc, xâm hại nên giữ trẻ ở nhà không cho đi đâu và thường xuyên cho trẻ coi clip bắt cóc mổ lấy nội tạng để trẻ sợ, và đặt câu hỏi việc này có nên không.

Tiến sĩ Phương đã rất phản đối cách làm này. Ông nói việc làm trẻ sợ hãi sẽ gây tác động xấu lên việc phát triển não bộ, trí tuệ của trẻ. Một bạn trẻ cũng bày tỏ rằng cha mẹ mình từng sợ này sợ nọ cấm cản con việc tham gia các hoạt động xã hội mang tính tự lập như đi học xa, đi phượt một mình, học nghề mình yêu thích khiến con phải dấu diếm…

Tiến sĩ Phương trình bày: không phải cho con học trường tốt, mướn thầy tốt dạy con đủ thứ kỹ năng như chơi đàn piano… là con sẽ nhận được sự giáo dục tốt để có thành công. Mỗi cá nhân đều có một sở trường, sở thích riêng, cha mẹ đừng vì sợ hãi chuyện này chuyện nọ mà ngăn cản con làm điều mình thích sẽ tạo cho đứa trẻ tâm lý sợ hãi. Tâm lý sợ hãi chỉ dẫn đến việc cam chịu, quỵ lụy hay bạo lực để chống đối…

Còn có rất nhiều câu hỏi trong một thời gian hạn hẹp mà tiến sĩ Phương bảo rằng quyển sách Dạy con trong “hoang mang” của mình sẽ có câu trả lời trong đó.

Dạy con trong “hoang mang” do Anbooks và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phối hợp thực hiện. Sách gồm những vấn đề như: Tổng quan về phương pháp nuôi dạy con, Những ngộ nhận về tri thức, Bạo hành trong gia đình, Khen thưởng trong dạy con, Xây dựng tính cách của trẻ, Những vấn đề xã hội trong việc dạy con.

Tác giả Dạy con trong “hoang mang” là tiến sĩ Lê Nguyên Phương - lãnh đạo giáo dục chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại University of Southern  California (USC). Ông trải qua 15 năm tư vấn học đường từ cấp mầm non đến đại học tại Mỹ. Ông đã nhận được giải thưởng “Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất” của Tổ chức International Schoool Psychology Association 2011. Ông cũng là chuyên gia Fubright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới