5 năm với một HLV trưởng đội tuyển quốc gia là quãng thời gian không ngắn, nhưng 5 năm với nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc và thỏa mãn giấc mơ cho người hâm mộ của một đất nước yêu bóng đá như Việt Nam (VN) thì lại quá ngắn và có quá nhiều điều để tiếc nuối khi sắp phải chia tay người thuyền trưởng tận tuỵ.
Một HLV tận tụy với bóng đá VN. Ảnh: CTV |
Lịch sử bóng đá VN gắn với cái tên Park Hang-seo
Cuối năm 2017, khi đến với bóng đá VN, ông Park chỉ được biết đến là một HLV đang thất nghiệp ở Hàn Quốc và việc nhận lời dẫn dắt đội tuyển VN nói như ông tâm sự là “thử thời vận” ở một nền bóng đá Đông Nam Á. Thậm chí báo chí Hàn Quốc khi đấy còn hay chọc ngoáy ông là “HLV ngủ gật”, là người hết thời khi tuột từ HLV đội trẻ Hàn Quốc sang thất bại ở CLB và… thất nghiệp.
Nhưng bộ mặt của bóng đá VN bắt đầu thay đổi từ đấy khi ông xắn tay cầm quân U-23 đá vòng chung kết 2018 châu Á ở Thường Châu. Giải đấu mà chính VFF cũng không tin vào quân mình lẫn tài năng dẫn dắt của ông nên đã đặt vé cho cả đoàn về ngay sau vòng bảng.
Cảnh tượng lịch sử không riêng gì bóng đá VN mà cả thế giới khi người hâm mộ lũ lượt đón U-23 đoạt huy chương bạc trở về từ Thường Châu. Rừng người trải dài từ sân bay Nội Bài rồng rắn theo xe và đón ở các ngả đường reo mừng các chàng trai trẻ về Hà Nội mừng công. Đoạn đường chỉ 30 phút thường ngày nhưng hôm đấy đoàn xe phải nhích từng vòng bánh suốt 6-7 tiếng đồng hồ cho quảng đường chỉ 40 km với rừng cờ và tiếng reo mừng.
Hình ảnh đi vào lịch sử không chỉ riêng với bóng đá VN khi biển người đón đội hạng nhì giải U-23 châu Á trở về từ Thường Châu 2018. Ảnh: CTV |
Một khởi điểm mang đậm dấu ấn của vị thuyền trưởng, nhưng cái cách ăn mừng của người hâm mộ VN với chiếc huy chương bạc U-23 châu Á thì còn ngọt ngào hơn cả đội tuyển Hàn Quốc kết thúc World Cup 2002 với vị trí hạng tư thế giới. Từ mốc son đấy và cũng từ thế hệ cầu thủ đấy, bóng đá VN bắt đầu khẳng định mình ở đấu trường Đông Nam Á, nơi mà Thái Lan từng tự hào xưng mình là “King’s Asean” và các thế hệ cầu thủ VN trước luôn ám ảnh mỗi khi đối đầu với bóng đá Thái ở các cấp đội tuyển.
Lên ngôi ở AFF Cup 2018, vô địch SEA Games 30 – 2019 ở Philippines, bộ HCV mà từ sau 1959 đến nay bóng đá VN luôn hằng ao ước với biết bao trận chung kết đều là người về sau. Năm 2022, ông Park lại tiếp tục cùng thế hệ cầu thủ mới bảo vệ bộ HCV SEA Games với chiến thắng Thái Lan ngay trong trận chung kết trên sân nhà Mỹ Đình…
Vô địch AFF Cup 2018, vô địch SEA Games 30, SEA Games 31… Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Vẽ lại bản đồ bóng đá Đông Nam Á và lập nên “vua mới”
Chưa HLV nào lập được những kỳ tích như ông và cũng chưa HLV nào mang đến cho người hâm mộ nhiều niềm vui như ông. “Thời” của ông, bóng đá VN không cao ngạo xưng mình là “vua Đông Nam Á” như cái cách người Thái hay tự tôn nhưng bảng xếp hạng FIFA, Đông Nam Á duy nhất chỉ có VN là vào top 100. Thậm chí mới đây, chính những nhà làm bóng đá Thái Lan phải thống kê và phân tích vì sao bóng đá Thái Lan trong những năm trở lại luôn thua VN từ cấp độ U-16 đến đội tuyển…
Bóng đá VN từng chứng kiến những cuộc chia tay nhiều kỷ niệm và nhiều tiếc nuối như đã từng với ông Weigang, Colin Murphy, Alfred Riedl, Henrique Calisto… nhưng chưa cuộc chia tay nào mà hơn 3 tháng trước, giới chuyên môn lẫn người hâm mộ lại thấy nhiều luyến tiếc với một người nước ngoài mà bóng đá VN mang ơn như ông Park Hang-seo. Không hẳn vì 5 năm qua ông đã mang lại quá nhiều thành tích và sự tự tin cho các cầu thủ VN không chỉ ở sân chơi Đông Nam Á mà cả khi bước ra sân chơi châu Á. Cái chính là ông đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho những người yêu bóng đá ở một đất nước mà bóng đá gắn với đời sống của từng người, từng gia đình. Ông đã làm sống dậy niềm tin và niềm hạnh phúc của người hâm mộ khi chứng kiến các đội tuyển luôn ra sân với một tinh thần cao nhất và không bao giờ bỏ cuộc. Thậm chí những nghi kỵ trước đây ở các trận thua của đội tuyển sang “thời của ông” cũng không còn tồn tại hai chữ “ngờ vực”.
Những cầu thủ dưới tay thầy Park được nâng cấp và trở thành những ngôi sao đáng chú ý. Ảnh: VFF |
Thế nên mới có nhiều tiếc nuối và thế nên nhiều người mới xôn xao việc ông không tiếp tục gắn bó với bóng đá VN nữa sau ngày 31-1-2023. Nhiều người nói ông biết dừng lại đúng lúc khi bóng đá VN đã chạm nóc; cũng có người bảo rằng vì hai bên không đi đến thoả thuận về tiền lương mà đại diện của ông muốn phải là cái giá cao hơn rất nhiều… Có một thực tế mà ít ai đề cập là ông Park chưa hài lòng với những gì ông đã làm được cho bóng đá VN. Ông muốn một chiếc vé dự World Cup, muốn các cầu thủ vươn tầm ra ngoài khu vực Đông Nam Á, muốn các CLB cạnh tranh lành mạnh với nhau và luôn ổn định trong khâu đào tạo hơn là chỉ chăm chút ở tuyến đầu.
Từ bức tâm thư của HLV Weigang đến mong muốn của ông Park Hang-seo
Thực tế thì điều ông Park Hang-seo mong mỏi và muốn bóng đá VN phát triển không khác gì với hồi ông Weigang trở về cùng đội tuyển VN với chiếc huy chương bạc SEA Games 18 – 1995. Lần đấy, trong báo cáo gửi VFF của HLV Weigang có bức tâm thư mà ông Weigang không ngần ngại cho tôi cùng một số phóng viên xem. Bức thư hơn 10 trang A4 viết tay như một lời cầu khẩn những nhà làm bóng đá VN nên tính xa hơn cho thành tích ở Đông Nam Á bằng việc phát triển bóng đá trẻ, bằng những yêu cầu cao hơn về cơ sở vật chất, bằng chế độ dinh dưỡng để cầu thủ VN tăng cường sức mạnh lẫn thể chất, thể hình, bằng cả vai trò của những nhà làm bóng đá tác động đến sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, của chính phủ…
Ông Park Hang-seo khi có nhiều thành tích với bóng đá VN cũng đã có nhiều nỗi niềm như thế. Ông không có “kênh quan hệ báo chí” như kiểu ông Weigang thời bấy giờ, nhưng mỗi lần về Hàn Quốc trả lời phỏng vấn báo đài địa phương thì ông luôn vắt ra những nỗi niềm giống như tâm thư của ông Weigang ngày nào.
Trong khi bóng đá VN vui mừng với thành tích hay với một trận đấu thì HLV Park Hang-seo vẫn đau đáu nghĩ đến sự phát triển của một nền bóng đá… Ảnh: CTV |
Với ông thì bóng đá VN chỉ giữ và phát huy thêm thành tích với điều kiện phải có những thay đổi tổng thể từ nhiều cấp và nhất là ở các CLB nhưng ông không khó nhận ra chỉ có vài CLB làm bóng đá trẻ một cách tử tế theo kiểu chịu đầu tư. Ông chỉ có thể đòi hỏi và lập “rào” ở đội tuyển chứ không thể làm thay đổi ý thức hoặc quan điểm làm bóng đá của các ông bầu, các CLB đến với bóng đá vì những mục đích khác nhau.
Ông Park không có một bức tâm thư như ông Weigang ngày nào nhưng cái cách để ông muốn bóng đá VN phát triển phải theo khuôn mẫu chung như thế.
5 năm qua, ông Park đã vắt tất cả những gì mình có với bóng đá VN và chính các cầu thủ cũng đã nỗ lực hết mình khi may mắn được làm học trò của ông. Ông nâng cấp nhiều cho các cầu thủ của mình nhưng để nâng cấp một nền bóng đá thì bản thân ông và cố gắng của các học trò thôi chưa đủ. Gọi là chạm nóc nhưng rõ ràng để xác định nóc phải do những nhà làm bóng đá định ra theo ý tưởng và lộ trình mà ông Park Hang-seo không ít lần đề nghị.
Nếu không phải là thầy Park thì Đỗ Hùng Dũng khó có mặt trong hai lần tăng cường dự SEA Games 30 và 31. Một điểm son về dùng người và trao gửi niềm tin. Ảnh: CTV |
Nói ông chia tay với bóng đá VN sau tháng 1-2023 cũng đúng mà nói những nhà làm bóng đá VN và ông không thể tiếp tục đáp ứng những yêu cầu của nhau cũng không sai.
Bóng đá VN luôn nhớ và mang ơn ông đã đem đến những tháng ngày hạnh phúc thực sự đồng thời hiện thực hoá nhiều giấc mơ dang dở.
Đã đến lúc... |
Phải nói lời chia tay. Ảnh: VFF |
Tiếc là còn nhiều giấc mơ nữa nhưng không thể đi tiếp cùng nhau. Và khi đấy mọi người hay tự an ủi bằng cụm từ “đã cũ và cần thay đổi”.
Cũng chỉ là một cách nói khi phải chia tay.