Cuộc chiến đất đai ở các lâm trường - Bài 1: Lâm trường bó tay với lấn chiếm đất

Dù đã qua cải tổ, thực tế cho thấy tình trạng lấn chiếm đất đai tại các lâm trường (đã đổi tên thành công ty lâm nghiệp) đang đặc biệt nghiêm trọng. Cơ chế giao khoán đất rừng đang bộc lộ những yếu kém bất cập khó giải quyết.

Thôn Cốt Cối, xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) hiện được xem là một điểm nóng về lấn chiếm, tranh chấp đất.

Cả thôn đi chiếm đất

Xã Tân Thành có diện tích tự nhiên khoảng 4.300 ha, trong đó có 3.700 ha đất rừng và toàn bộ đất rừng này là của Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc. Công ty Đông Bắc giao khoán đất kèm phân bón, cây giống cho các hộ dân để trồng bạch đàn và keo, chu kỳ khoảng sáu năm sẽ thu hoạch. Bên nhận khoán và công ty sẽ chia sản phẩm với nhau theo một tỉ lệ do công ty ấn định. Tuy nhiên, câu chuyện không diễn ra êm đẹp như thế. Từ năm 2005 đến nay, hễ công ty khai thác bạch đàn và keo đến đâu là người dân vào chiếm đất đến đó. Ông Phùng Văn Quang, Phó Chủ tịch xã Tân Thành, ước đoán hiện lâm trường chỉ còn quản lý được tối đa 1.000 ha và “chừng hai năm nữa sẽ không còn mét vuông nào do người dân vào chiếm hết”.

Thừa nhận mình là một trong những người đi chiếm đất, bà Bùi Thị Thúy (ngụ thôn Cốt Cối) bày tỏ: “Cả nhà tôi có hơn sáu nhân khẩu, không có công việc gì ngoài trồng rừng. Đói quá nên phải đi lấn chiếm, cả làng cùng đi chiếm chứ không phải mình tôi!”. Bà Thúy cho biết trước đây là công nhân của lâm trường, sau đó mất việc do sắp xếp lại lâm trường quốc doanh. Một người dân khác của thôn này là bà Nguyễn Thị Hương cũng cho hay gia đình bà được 0,3 ha đất nhận khoán và 1 ha đất do “khai phá” (thực tế là chiếm đất của lâm trường). Bà cho hay lúc đầu công ty thông báo mỗi hộ sẽ được nhận khoán 1,5 ha. Tuy nhiên, công ty không làm được vì gần như toàn bộ đất đã bị người dân lấn chiếm canh tác. Trưởng thôn Cốt Cối - bà Lý Thị Hưng cho biết bức xúc về đất đai trầm trọng nhất bắt đầu từ năm 2007. “Năm 2010, dân ngoài xã bắt đầu tiến vào thôn chúng tôi lấn chiếm và giành đất. Khi người lấn chiếm đến tranh chấp với người được nhận khoán, cây cối của người nhận khoán bị chặt phá mà lâm trường không bảo vệ họ” - bà kể.

Cuộc chiến đất đai ở các lâm trường - Bài 1: Lâm trường bó tay với lấn chiếm đất ảnh 1

1. Ông Phùng Văn Quang, Phó Chủ tịch xã Tân Thành (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), cho biết ông phải dành 1/3 thời gian để giải quyết tranh chấp đất lâm trường. 2. Bà Bùi Thị Thúy (ngụ thôn Cốt Cối, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cho hay cả thôn đi chiếm đất chứ không phải riêng bà. Ảnh: C.TÚ

“Đổi mới chỉ mới là hình thức, nhiều tồn tại về quản lý sử dụng đất chậm khắc phục, có nơi còn nghiêm trọng hơn”. Nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp đổi mới phát triển các nông lâm trường quốc doanh được nêu trong Thông báo số 164 ngày 16-4-2013.

Tại Công ty Lâm nghiệp Yên Bình (tỉnh Yên Bái), Giám đốc Phạm Đăng Hưng thừa nhận công ty được giao 1.400 ha đất nhưng chỉ giữ được 600 ha. Tuy nhiên, các hộ dân ở đây đều nghĩ rằng đất này là do họ tự khai phá. Ông Lương Hồng Tráng (ngụ thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình) đã phản đối dữ dội khi bị gọi là “lấn chiếm đất của lâm trường” với diện tích 6-7 ha. Ông cho biết đây là đất do ông khai hoang từ trước Luật Đất đai năm 1993 và sử dụng từ đó đến nay nên phải là đất của ông. Chỉ vì phía “lâm trường đi tranh chấp đất” nên thủ tục bị neo lại, ông chưa được chính quyền cấp giấy đỏ.

Theo ông Bùi Xuân Ứng - Trưởng thôn Hồng Bàng, lâm trường không đủ sức làm, để đất bị hoang hóa nên người dân đến khai phá, trồng rừng để nâng cao đời sống. Người dân lấn chiếm đất chỉ chưa được thừa nhận về mặt pháp lý, còn trong thực tế họ vẫn canh tác ổn định và không thấy lâm trường hay ai đến đòi lại.

Bất lực trước làn sóng chiếm đất

Tuy bị lấn chiếm gần hết diện tích đất được giao nhưng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc thừa nhận công ty không thể làm gì được để ngăn chặn. “Việc lấn chiếm diễn ra thường xuyên, có tổ chức, do vậy khó xác định được đối tượng cụ thể, đồng thời cũng chưa có chế tài xử phạt những đối tượng này” - ông lý giải. Đội trưởng Đội sản xuất lâm nghiệp Cốt Cối - ông Phạm Đăng Khoa cho hay đội của ông chỉ có ba người để quản lý 675 ha đất rừng tại thôn này. Kể về vai trò của mình, ông Khoa nói: “Khi dân báo có người đến tranh chấp lấn chiếm thì chúng tôi chỉ xuống ghi nhận tình hình, báo cho xã và công ty biết. Chúng tôi xuống tuyên truyền vận động người dân còn bị họ rượt đuổi, anh đội trưởng cũ còn bị chém”. Toàn Công ty Lâm nghiệp Yên Bình chỉ có tám người để quản lý gần 1.400 ha, vừa không đủ người vừa không đủ lực nên lâm trường đã để đất hoang hóa và dân đến lấn chiếm, canh tác.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành - ông Phùng Văn Quang cho biết tập hồ sơ tranh chấp đất trên bàn làm việc của ông đang ngày một dày thêm. “Theo quy định, xã chỉ có chức năng hòa giải. Khi được báo có tình trạng lấn chiếm hay tranh chấp giữa các hộ dân thì xã chỉ mời hai bên lên làm việc, vận động hòa giải và lập hồ sơ để đó” - ông cho hay. Trong khi đó, UBND huyện có vai trò lớn hơn xã nhưng thiếu cơ sở và nguồn lực để giải quyết nên các tranh chấp đến cấp này cũng rơi vào bế tắc. Về mặt quản lý, lâm trường trực thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, không trực thuộc chính quyền địa phương. Do đó, UBND cấp tỉnh cũng không ưu tiên phân bổ tài chính nhằm giúp công ty giải quyết tranh chấp như kinh phí thực hiện việc rà soát, đo đạc, chia đất cho các huyện.

Không có một cơ chế hiệu quả để giải quyết tình trạng mâu thuẫn, lấn chiếm đất đai nên dân thì cứ lấn chiếm còn lâm trường thì gần như chỉ biết khoanh tay đứng nhìn.

Theo báo cáo của Viện Tư vấn Phát triển, không chỉ ở miền núi phía Bắc, việc tranh chấp xâm lấn đất rừng gần như diễn ra khắp nơi. Tại Công ty Lâm nghiệp M’Drak (tỉnh Đắk Lắk), 5/5 xã có đất rừng của công ty này đều có lấn chiếm, trong năm 2012 có khoảng 250 đến 300 ha đất rừng trồng bị lấn chiếm. Tại tỉnh Lâm Đồng, năm 2012 Công ty Lộc Bắc bị lấn chiếm ít nhất 20-30 ha, còn Công ty Cao su Bảo Lâm bị lấn chiếm nhiều nhất với diện tích khoảng 120 ha.

Theo báo cáo năm 2012 của Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước chỉ có hơn 7.000 ha đất của các lâm trường bị lấn chiếm. Tuy nhiên, con số này được cho là không chính xác vì chỉ riêng tại Công ty Đông Bắc ở Lạng Sơn đã có khoảng 14.500 ha bị chiếm, gấp đôi con số thống kê trên. Theo một cán bộ Ban Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, tổng số diện tích bị lấn chiếm do các địa phương báo cáo năm 2010 là gần 150.000 ha trong tổng số 2 triệu ha.

HÀ NGUYÊN

Bài 2: Kẻ ăn không hết, người lần không ra

Cần tính lại bài toán giao đất để tránh tình trạng dân “khát” đất trong khi lâm trường sử dụng đất không hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm