Cuộc đua chủ tịch Interpol: Nga bất ngờ thất bại

Sáng 21-11, ngày cuối cùng trong phiên họp thường niên ở Dubai, đại hội đồng tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Intepol) - cơ quan điều phối thi hành luật pháp ở 192 nước thống nhất bầu chủ tịch mới thay cho ông Mạnh Hoành Vĩ bị Trung Quốc bắt tháng trước.

Người chính thức được bầu vào vị trí chủ tịch Interpol là ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Quyền Chủ tịch Interpol kể từ khi ông Mạnh Hoành Vĩ từ chức. Để thắng, ông Kim Jong-yang đã giành được phiếu bầu của ít nhất 2/3 người tham gia hội nghị. Ông Kim Jong-yang sẽ là chủ tịch Interpol trong hai năm tới, hoàn tất hai năm cuối nhiệm kỳ bốn năm của người tiền nhiệm Mạnh Hoành Vĩ.

Chiến thắng bất ngờ

Đây là kết quả hết sức bất ngờ khi người được dự báo chắc sẽ nắm trong tay chức chủ tịch Interpol là ông Alexander Prokopchuk, cũng là một trong bốn phó chủ tịch Interpol. Chuyện ông Kim Jong-jang được đề cử vào chức chủ tịch Interpol không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, thông tin ông Prokopchuk được đề cử được giữ kín tới tận những ngày cuối cùng. Có nguồn tin cho biết Nga phải đợi đến khi chắc chắn được cơ hội thắng của ông Prokopchuk mới công khai.

Nếu đúng thế thì đây là đòn thất bại nặng với Nga, hay nói cách khác Mỹ và các đồng minh phương Tây đã thắng Nga trong cuộc chiến giành vị trí chủ tịch Interpol.

Mấy ngày qua, thông tin ông Prokopchuk được đề cử đã báo động cả từ Mỹ đến châu Âu. Một ngày trước phiên bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố Mỹ ủng hộ ông Kim Jong-yang. Đầu tuần này, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ cùng viết một bức thư chỉ trích ông Prokopchuk.

Ông Kim Jong-yang (trái) vượt qua ông Prokopchuk trở thành chủ tịch Interpol  nhờ sự hậu thuẫn mạnh của Mỹ. Ảnh: AFP

Không chỉ Mỹ mà các đồng minh, đối tác Mỹ cũng lên tiếng. Ngoại trưởng Anh Harriet Baldwin ngày 20-11 tuyên bố Anh ủng hộ ông Kim Jong-yang. Chính phủ Ukraine nói việc ông Prokopchuk được đề cử là một sự tấn công vào trật tự thế giới của Nga và đe dọa sẽ rút khỏi Interpol nếu ông Prokopchuk thắng. Lithuania cũng cho biết sẽ cân nhắc khả năng này.

Nga cũng chỉ trích mạnh Mỹ và các nước phương Tây trong vụ này. Ria Novosti dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích bức thư của nhóm nghị sĩ Mỹ là “một ví dụ sống động” cho nỗ lực can thiệp quá trình bỏ phiếu bầu chọn của Interpol. Bộ Ngoại giao Nga lên án việc truyền thông nước ngoài “có chiến dịch nhằm hạ uy tín ứng cử viên của Nga”.

1.000 quan chức cảnh sát cấp cao từ 192 nước tham dự hội nghị thường niên lần thứ 87 của đại hội đồng Interpol ở Dubai. 

Mỹ vận động rất dữ sau hậu trường

Thực ra nếu so sánh giữa hai ứng viên thì ông Prokopchuk có thực lực hơn. Ông Kim Jong-yang là cựu quan chức cảnh sát Hàn Quốc. Ông Prokopchuk có học vấn cao, nói được sáu ngoại ngữ, là thiếu tướng công an tại Bộ Nội vụ Nga, có bảy năm đứng đầu chi nhánh Interpol ở Nga. Trong nhiều năm dài ông Prokopchuk từng nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác trong ngành cảnh sát giữa Nga và phương Tây.

Bản thân ông Ronald Noble, người từng có hơn một thập niên ngồi ở vị trí thư ký điều hành Interpol không phản đối chuyện ông Prokopchuk, sĩ quan cảnh sát còn đương chức duy nhất chạy đua ghế chủ tịch Interpol, được đề cử. Theo ông, nếu các thành viên có bầu cho ông Prokopchuk thì cũng là bầu cho một nhân vật cảnh sát chuyên nghiệp và điều này cũng cho thấy Interpol không bài trừ Nga.

Washington Post cũng thừa nhận ông Prokopchuk rất có năng lực và nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều nước, thậm chí không phải là đồng minh của Nga. Ông Kim Jong-yang dù được phân nắm quyền chủ tịch Interpol khi ông Mạnh Hoàng Vĩ gặp chuyện nhưng thực ra không được biết đến nhiều và được ngưỡng mộ nhiều như ông Prokopchuk, theo Washington Post.

Theo AFP, để ông Kim Jong-yang chiến thắng không thể không kể đến công Nhà Trắng và các đối tác châu Âu đã vận động rất dữ đằng sau hậu trường chặn đường thắng của ông Prokopchuk.

Dẫn nguồn tin biết về hoạt động ngoại giao của Mỹ, Washington Post cho biết những ngày qua Bộ Ngoại giao Mỹ bận rộn gửi thư ngỏ đến từng đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài tại Mỹ, kêu gọi các cơ quan này thuyết phục nước mình ủng hộ ông Kim Jong-yang.

Trong số thành viên tham gia hội nghị Đại hội đồng Interpol có Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod J. Rosenstein. Tại hội nghị, ông Rosenstein không bỏ qua cơ hội chỉ trích các nước lạm dụng cơ chế ban hành “thông báo đỏ” của Interpol - điều Mỹ từng nhiều năm chỉ trích Nga.

Cảnh sát các nước có thể yêu cầu Interpol đồng ý ra “thông báo đỏ” hay còn biết đến là lệnh bắt quốc tế, truy tìm những kẻ lẩn trốn khắp thế giới. Theo Mỹ và các đồng minh, thời gian qua dù ông Prokopchuk chưa làm chủ tịch nhưng Interpol cũng đã nhiều lần chấp nhận đề nghị của Nga ra “thông báo đỏ” với các nhân vật chống đối chính phủ Nga. Nếu ông Prokopchuk thắng càng tạo điều kiện thêm cho việc này.

Quyền lực của chủ tịch Interpol

Theo New York Times thì vị trí chủ tịch Interpol chỉ mang tính biểu tượng, có rất ít quyền lực và ít ảnh hưởng đến việc ra “thông báo đỏ”. Vai trò chính của chủ tịch Interpol là “chủ trì các kỳ họp đại hội đồng và ủy ban điều hành” bàn về chính sách, đường lối. Chủ yếu các công việc điều hành trực tiếp hằng ngày do tổng thư ký phụ trách.

Nói với CNN, chuyên gia về tội phạm xuyên quốc gia Louis Shelley, Giám đốc Trung tâm Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tham nhũng tại ĐH George Mason (Mỹ), cho rằng dù vị trí chủ tịch không phụ trách công việc hằng ngày nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn lên chính sách tổ chức này. Theo chuyên gia này, vị trí chủ tịch Interpol hoàn toàn có thể biến Interpol từ một tổ chức thực thi luật pháp thành một công cụ chính trị nếu có chủ ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới