Khi thực hiện các dự án chống ngập và chỉnh trang đô thị, việc nâng cao độ mặt đường gần như là bắt buộc (để vừa theo cốt chuẩn, vừa đạt được mục tiêu chống ngập). Dù điều này ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân nhưng ít chủ đầu tư tổ chức lấy ý kiến của họ. Hoặc nếu có lấy ý kiến thì cũng để tham khảo cho vui!
Nhà chưa xong đã thấp hơn đường
Tuyến đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đang được Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM (trung tâm chống ngập) nâng đường, lắp cống để chống ngập. Trong suốt nhiều tháng qua, người dân hai bên đường bị bít cửa làm ăn bởi một bờ kè cao 1,4-1,8 m sừng sững án ngữ ngay trước nhà họ.
Đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết trước khi thực hiện dự án đã thông báo và lấy ý kiến người dân về việc sẽ nâng đường lên 1 m để chống ngập. Vậy nhưng nhiều người cho biết thực tế tuyến đường đã được nâng lên tới 1,4-1,8 m chứ không phải 1 m như thông tin ban đầu. Chỉ bờ kè chạy dài trước nhà, bà Đinh Thị Hoa (46 Tam Bình) nói: “Mấy tháng qua tôi đã đóng cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và bỏ ra hơn 70 triệu đồng để nâng nền, mái nhà. Nếu không “chạy đua” như vậy thì không có cách gì buôn bán được”.
Trường hợp ông Nguyễn Công Đồng, 24D Tam Bình còn cay đắng hơn. Căn cứ cao độ được thông báo ban đầu, ông cho xây mới căn nhà ngang với mặt đường để tiện buôn bán. Khi căn nhà vừa xong phần thô, ông muốn té ngửa khi đơn vị thi công đánh dấu độ cao mặt đường Tam Bình sẽ “trồi” tới 0,6 m so với nền nhà chưa kịp hoàn thiện. “Khi họp dân, họ thông báo một đằng nhưng rồi làm một nẻo khiến tôi lãnh đủ” - ông Đồng ngao ngán.
Kè đá án ngữ trước nhà người dân đánh dấu độ cao đường Tam Bình sẽ nâng lên khi hoàn thành. Ảnh: V.HOA
Nhiều căn nhà trên đường Phan Đình Phùng bị bít hoàn toàn lối ra vào. Ảnh: X.HUY
Làm gần xong mới thông báo cho dân
Không chỉ có việc thông báo một đằng làm một nẻo, thực tế còn có trường hợp tới khi công trình đột ngột “bít” lối vào nhà dân thì chủ đầu tư mới chịu thông báo cho khổ chủ hay. Điều này dẫn đến những phản ứng gay gắt không đáng có.
Đơn cử, dự án xây dựng cầu Kiệu được khởi công từ tháng 2-2014 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP làm chủ đầu tư. Hiện công trình vẫn tiếp tục trễ hẹn hoàn thành vì việc thi công tường chắn và đường dẫn phía quận Phú Nhuận vấp phải phản ứng quyết liệt của nhiều hộ dân. Lý do là công trình đã cao hơn nền nhà của họ 0,6-1,8 m.
“Công trình 31ABC Phan Đình Phùng vừa đổ xong móng để thi công cao ốc chín tầng đã phải tính toán thay đổi cốt nền (như đục bê tông nối lại cọc và thay đổi hàng loạt hạng mục) theo dự án cầu Kiệu. Tổng chi phí cho những công việc này lên đến hơn 810 triệu đồng. Ngoài ra, việc nâng nền và cải tạo lại căn nhà 33 Phan Đình Phùng cũng mất hơn 100 triệu đồng” - ông Nguyễn Huy Thái (đại diện hộ 31ABC và 33 Phan Đình Phùng, phường 17, quận Phú Nhuận) cho hay.
Theo ông Thái, những người dân bị ảnh hưởng không hề được thông báo hay hỏi ý kiến trước khi thực hiện công trình. “Cầu làm từ tháng 2 song đến tháng 9-2014, quận mới họp dân để… công bố quy hoạch và thiết kế dự án. Dự án đã bỏ qua bước công bố quy hoạch công khai, khảo sát, lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng trước khi phê duyệt thiết kế và giải pháp thi công phù hợp. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày, đặc biệt gây thiệt hại tiền tỉ cho người dân” - ông Thái bức xúc.
Xây nhà cao hơn đường để… trừ hao Trên tuyến đường Tân Hóa (quận 11) và Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) hiện có nhiều nhà trồi cao hơn mặt đường cả 0,5 m. Lý giải điều này, ông Giang Văn Đức (72 Tân Hóa, phường 3, quận 11) cho biết từ năm 1983 đến nay đã năm lần nâng nền nhà, tổng cộng lên tới… 2,5 m. Năm 2009, ông xây mới nhà, dù cốt nền quy định là 1,0 m nhưng ông đã xây lên 1,5 m cho chắc ăn. Nhìn nhận về vấn đề này, lãnh đạo quận 11 và Tân Phú cho biết nhiều khi chính người dân cũng không tin vào cốt nền do quận công bố nên đã phải xây cao hơn để trừ hao. |