Ở các số trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh tình trạng khổ sở của người dân sống tại những nơi có dự án chống ngập, chỉnh trang đô thị. Đa số họ đều phải tự bỏ kinh phí để theo kịp “cuộc đua” nâng đường, nâng hẻm. Có nơi vì quá bức xúc, người dân đã phản đối quyết liệt khiến công trình chậm trễ, kéo dài.
Bị khiếu nại mới nhờ tới quận
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: Phương án thiết kế của dự án nâng đường Tam Bình để chống ngập (do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư) đã được công khai lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, do một số khu vực quá trũng nên sau đó chủ đầu tư đã điều chỉnh theo hướng nâng thêm mặt đường.
“Đúng là việc giải thích đầy đủ thông tin cho người dân về phương án thiết kế tuyến đường này chưa chu đáo. Đây cũng là bài học kinh nghiệm về sự phối hợp giữa chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế và chính quyền địa phương khi thực hiện dự án. Người dân phải được nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác để có thể chủ động khi xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà cửa” - ông Dũng xác nhận.
Tại dự án cầu Kiệu, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận, cho biết: Bản thân quận cũng bị động vì không được tham gia cùng chủ đầu tư (Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị) ngay từ đầu. Đến khi 13 hộ dân tại phường 17 khiếu nại, quận mới được yêu cầu vận động, thuyết phục dân bàn giao mặt bằng để đảm bảo công trình đúng tiến độ.
“Hiện hầu hết hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Riêng công trình số 31ABC Phan Đình Phùng, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng làm việc với chủ nhà để thỏa thuận hướng khắc phục. Được biết Sở Xây dựng, chủ đầu tư và hộ ông Nguyễn Huy Thái đã thống nhất phương án điều chỉnh chiều cao công trình từ chín lên 14 tầng và chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn kinh phí này” - ông Phương nói.
Một căn nhà ở quận Thủ Đức mới xây xong nhưng đã thấp hơn mặt đường Phạm Văn Đồng hơn 1,5 m. Ảnh: MP
Dãy tường chắn được xây lên phục vụ việc nâng đường Tam Bình (quận Thủ Đức) đã khiến hàng trăm nhà dân bị cô lập. Ảnh: MP
Kiến nghị TP hỗ trợ dân
Ông Phương thông tin thêm, theo văn bản của UBND TP thì người dân có nhà cửa bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường phải tự bỏ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Ngọc Hân (Chủ tịch UBND phường 7, quận 6), ở địa phương có nhiều hộ dân không đủ khả năng sửa nhà. “Hiện phường còn khoảng 80 nhà thấp hơn đường, hẻm xấp xỉ 0,7 m, đặc biệt có nhà thấp hơn đến 1,2 m. Phường đã báo cáo để quận kiến nghị TP có cơ chế hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng” - bà Hân nói.
Quận 6 là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất từ việc hàng loạt tuyến đường, hẻm được nâng cao để bằng cốt chuẩn 2 m. Trong số này một số hẻm có mức nâng thấp hơn (khoảng 1,7-1,8 m) để không tạo sự chênh lệch quá mức giữa mặt đường, hẻm với nhà dân.
“Toàn quận có gần 340 nhà dân có sự chênh lệch độ cao giữa nền nhà và mặt đường, hẻm hơn 0,5 m. Trong số này có gần 80 nhà chênh với đường khoảng 1 m. Quận đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để tìm giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo song đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết” - đại diện quận 6 thông tin.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT, một khi việc nâng đường, hẻm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân thì chủ đầu tư dự án cần bố trí một phần kinh phí hỗ trợ, nhất là với những hộ khó khăn. “Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, lại chưa có tiền lệ nên các sở, ngành đã thống nhất kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp với Hội đồng Thẩm định bồi thường, giải phóng mặt bằng và UBND các quận, huyện nghiên cứu khung pháp lý, các mức hỗ trợ để bổ sung chính sách nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân” - vị này nói.
Khi dự án nâng cấp đô thị được thực hiện, đã có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng vì nhà thấp hơn đường, hẻm. Do vậy trong dự án này đã dành một nguồn quỹ với lãi suất ưu đãi (0,6%/tháng) cho người dân vay để sửa chữa nhà. Mức vay tuy không nhiều (15 triệu đồng/hộ) nhưng lãi suất ưu đãi và thời gian vay dài (ba năm) nên đã thu hút được nhiều người. Từ khi thực hiện đến nay đã có gần 64.000 hộ dân vay với số tiền hơn 560 tỉ đồng. Đáng tiếc là tuy nhu cầu vay vốn sửa nhà vẫn còn rất cao nhưng trong năm 2014 quỹ đã ngưng phát vay để thu hồi vốn, hoàn trả nợ cho Ngân hàng Thế giới. Ông LÊ THANH LIÊM, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM Khi cốt nền chuẩn được nâng lên, huyện đã có khuyến cáo người dân và cung cấp thông tin rõ ràng trong giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, thực tế việc xây mới hoặc cải tạo nhà cũ cho bằng cốt nền chuẩn rất tốn kém nên người dân không đủ tiền làm mà thường nhìn theo nhà hàng xóm để xây dựng. Riêng với các dự án phát triển đô thị thì hạ tầng được đảm bảo đồng bộ hơn và cốt nền theo quy hoạch phân khu được duyệt nên không bị cuốn theo cuộc đua “nâng đường, nâng nhà”. Ông ĐOÀN NHỰT, Phó Chủ tịch |