Cuộc sống bận rộn ở Nam Cực

(PLO)- Những người làm việc ở Nam Cực cho biết dù không có nhiều người tại đây nhưng cuộc sống vẫn rất nhộn nhịp, bận rộn và đáng sống. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 1959, 12 quốc gia, bao gồm Chile, Nhật, Úc và Mỹ đã ký Hiệp ước Nam Cực, cam kết rằng khu vực này sẽ chỉ được sử dụng “chỉ vì mục đích hòa bình”. Do đó, ở Nam Cực không có căn cứ quân sự nào, mặc dù máy bay và tàu quân sự có thể chở người và vật tư đến đây.

Theo đài CNN, cho đến nay, chỉ có vài ngàn người có cơ hội sống ở Nam Cực. Tại đây, người tham quan Nam Cực phải ngủ chung với người lạ, tắm trong 90 giây và không có sự riêng tư. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những trải nghiệm tại đây đều đáng giá.

Cuộc sống bận rộn

Trong những tháng mùa hè tại Nam Cực (từ tháng 11 đến tháng 3), có thể có tới 1.000 người đến thăm trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ tại vùng này. Họ là các nhà khoa học và các nhân viên hỗ trợ.

Cô Keri Nelson đã đến Nam Cực nhiều lần và hiện làm việc tại McMurdo. Nói về trạm nghiên cứu McMurdo, cô cho rằng “đó là cả một thị trấn”.

Cuộc sống bận rộn ở Nam Cực
Cô Keri Nelson (phải) và những người bạn tại một trạm nghiên cứu ở Nam Cực. Ảnh: KERI NELSON

“Bạn có thể đi cả mùa mà không bao giờ gặp được nhiều người ở Nam Cực, trong khi ở những trạm nghiên cứu thì rất đông đúc. Lúc nào cũng nhộn nhịp” – cô Nelson nói.

Tại trạm nghiên cứu cũng có phòng xem DVD, phòng thủ công, phòng tập thể dục. Tại đây, cô Nelson đã tổ chức các buổi trình diễn thời trang và nhiều buổi biểu diễn âm nhạc.

Chỉ cách McMurdo 3 km là trạm nghiên cứu Scott của New Zealand. Các nhân viên của trạm Scott thường đến gặp các đồng nghiệp người Mỹ. Họ thường tổ chức các buổi họp mặt, họp câu lạc bộ sách và xem phim. Một số nhân viên thậm chí còn tình nguyện dạy các lớp yoga, ngôn ngữ.

Chuyến đi của cô Laura Bullesbach đến Nam Cực kết thúc vào tháng 3-2024. Cô Bullesbach là một trong những nhân viên của bưu điện tại trạm nghiên cứu Port Lockroy, do Quỹ Di sản Nam Cực của Anh quản lý.

“Hòn đảo nơi tôi làm việc có kích thước bằng một sân bóng đá nên rất nhỏ. Và các bạn sống cùng nhau trong một túp lều, về cơ bản có 2 phòng. Chúng tôi không có nước sinh hoạt và do đó không có vòi sen, không có bồn cầu xả nước hiện đại” – cô Bullesbach nói.

Cô Bullesbach cho biết một quan niệm sai lầm phổ biến là cuộc sống ở Nam Cực rất nhàm chán. Tuy nhiên, tại Port Lockroy, mọi người thường bận rộn với những công việc hàng ngày, từ việc quản lý cuộc sống cơ bản như thay phiên nhau nấu bữa ăn, cho đến những công việc nghiêm túc hơn như khảo sát nước và theo dõi đàn chim cánh cụt trên đảo.

Ngoài ra, khi các tàu tư nhân, tàu khoa học hoặc thương mại đến thăm Port Lockroy, cô Bullesbach và các thành viên khác trong nhóm sẽ lên tàu để nói chuyện về giáo dục, bán quà lưu niệm và nhận thư. Họ thường có thể sử dụng vòi sen trên tàu và đôi khi, họ có thể mang trái cây, rau quả tươi về đảo để bổ sung cho nguồn cung cấp thực phẩm đóng hộp và thực phẩm khô tại đây.

05-living-antarctica-ukaht.webp
Cô Laura Bullesbach (ngoài cùng bên phải) và đồng nghiệp tại Port Lockroy. Ảnh: UKAHT

Có rủi ro nhưng xứng đáng

Trừ khi là nhà khoa học, cách tốt nhất để có cơ hội sống ở Nam Cực là đăng ký vai trò hỗ trợ tại một trong các trạm nghiên cứu. Cô Nelson đã phải đăng ký rất nhiều lần mới được nhận làm việc tại trạm nghiên cứu McMurdo.

Ban đầu, cô Nelson làm công việc dọn dẹp, sau đó đảm nhận nhiều công việc khác nhau ở Nam Cực, cuối cùng trở thành quản trị viên trạm nghiên cứu.

Mức lương của công việc này không cao nhưng cô Nelson không quan tâm. Cô này cho biết dù mức lương thấp nhưng tất cả bữa ăn, phòng ở cũng như phương tiện di chuyển đến và đi từ Nam Cực đều được hỗ trợ.

Việc tìm được một công việc ở Nam Cực không chỉ cần có trình độ phù hợp mà nó đòi hỏi người làm việc ở đây phải có một loại tính cách nhất định khi sống trong những khu vực chật hẹp trong thời gian dài ở Nam Cực.

“Bạn có thể là một kỹ sư hay nhà khoa học xuất sắc, nhưng nếu bạn không thể sống trong một túp lều nhỏ hoặc một nhà trạm nghiên cứu nhỏ với 3 người khác, hoặc có thời điểm lên đến 40 người, thì bạn không phù hợp với công việc ở Nam Cực” – ông Chris Long, người phụ trách hỗ trợ du khách đến Nam Cực ở trạm nghiên cứu Scott, cho biết.

“Không quan trọng bạn làm việc tốt thế nào. Khả năng hòa nhập với nhóm là điều quan trọng nhất. Bạn sẽ không muốn tạo ra kẻ thù trong môi trường như vậy” – ông Long nói.

Tuy nhiên, sống ở Nam Cực vẫn có những rủi ro.

Tại các trạm nghiên cứu như McMurdo, những chuyên gia y tế được đào tạo cũng được tuyển đến làm việc. Nhưng nếu ai đó cần phẫu thuật phức tạp hoặc điều trị khẩn cấp, bệnh nhân sẽ phải đợi tàu đưa họ đến thành phố gần nhất. Quá trình này có thể mất từ ​​2 đến 10 ngày.

cuoc-song-o-Nam-Cuc.webp
Các nhân viên tại Nam Cực thường dùng thuyền để để di chuyển hoặc mang đồ tiếp tế đến các trạm nghiên cứu. Ảnh: KERI NELSON

Dù vậy, trong một thế giới toàn cầu hóa với nhịp độ nhanh, nơi mọi người luôn sử dụng điện thoại, Nam Cực mang đến cơ hội hiếm có để sống một cách rất khác.

“[Nam Cực] hiện được dành riêng vì khoa học, hòa bình và các dự án mang lại lợi ích cho nhân loại. Đó là một trong những điều cá nhân tôi yêu thích khi làm việc tại đây. Đó là lý do tại sao tôi là một tín đồ của Nam Cực” – cô Nelson nói.

Cô Nelson cũng cho biết Nam Cực mang lại cho cô cảm giác bình yên mà cô không thể có được ở bất kỳ nơi nào khác.

“Khi ở đó, tôi có thể cảm thấy mình nhỏ bé và cảm nhận được bản chất của chính tôi trong vũ trụ này” – cô Nelson nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm