Nắng nóng, bão lũ và 'nỗi lo sinh thái' khắp toàn cầu

(PLO)- Những tác hại khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang khiến nhiều người lo lắng về tương lai của nhân loại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại liên hoan phim dành cho trẻ em vào tháng 7, trong phần hỏi đáp với ông Gilberto Pichetto Fratin - Bộ trưởng Môi trường và An ninh Ý, cô Giorgia Vasaperna (27 tuổi) bật khóc khi lo sợ về một ngày tận thế do khủng hoảng khí hậu.

“Cá nhân tôi lo lắng về vấn đề sinh thái. Tôi sẽ không có tương lai vì vùng đất tôi ở bị cháy rụi. Ông không lo cho con cháu của mình sao?” - cô Vasaperna hỏi.

Bộ trưởng Fratin bật khóc trước câu hỏi của cô Vasaperna.

“Tôi có trách nhiệm với tất cả các bạn. Tôi có trách nhiệm với các cháu của mình” - ông Fratin nghẹn ngào.

15climate-anxiety-01-pzwc-superJumbo.jpg
Cháy rừng ở phía tây Sicily (Ý) hồi tháng 8. Ảnh: AP

Nỗi lo này không chỉ xuất hiện ở nước Ý mà còn ở những nơi các hiện tượng thời tiết cực đoan đang hoành hành.

Theo tờ The New York Times, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang khiến nhiều người rơi vào "tình trạng lo lắng sinh thái" - một thuật ngữ thể hiện sự quan tâm của con người với môi trường xung quanh.

Lo lắng sinh thái có thể khiến mọi người cảm thấy “thất vọng, bất lực, choáng ngợp, vô vọng, lo lắng, nghĩ nhiều, khó chịu, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, hoảng loạn”.

Nỗi lo bao trùm

Châu Âu đang phải đối mặt với một năm 2023 với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và người dân đang vô cùng lo lắng.

Tại Hy Lạp, chính quyền chưa kịp khắc phục hậu quả của các đám cháy rừng kinh hoàng thì lũ lụt kéo đến. Lũ khiến nhiều ngôi làng chìm trong biển nước, làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng và khiến 16 người thiệt mạng.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy đến dồn dập khiến nhiều người dân Hy Lạp rơi vào tình trạng lo lắng. Bộ Y tế Hy Lạp dự tính sẽ triển khai một “chương trình can thiệp toàn diện để hỗ trợ tâm lý xã hội” cho các nạn nhân lũ lụt cũng như sẽ cử các chuyên gia sức khỏe tâm thần lưu động đến các khu vực bị ảnh hưởng, theo The New York Times.

Trong khi đó, người dân Ý gần như đã kiệt sức sau một mùa hè với nhiệt độ cao kỷ lục. Giờ đây, họ lại cảm thấy bất an khi chứng kiến những trận mưa đá liên tiếp với những hạt mưa đá to cỡ quả bóng ném.

Một cuộc thăm dò do tờ la Repubblica thực hiện cho thấy 72% người Ý bi quan về tương lai, dự đoán rằng tình hình môi trường sẽ xấu đi trong những năm tới.

Một học sinh tên Sara Maggiolo (16 tuổi) cho biết trong chuyến du lịch đến dãy núi Dolomite Alps (Ý) cô rất buồn khi thấy các công nhân dùng một tấm bạt trắng để bảo vệ sông băng khỏi ánh nắng mặt trời.

“Tôi sắp có các kỳ thi tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và tiếng Pháp, nhưng bây giờ tôi lại cảm lo lắng về tình hình khí hậu. Tôi xem truyền hình và thấy mọi thứ như bị đốt cháy. Mùa hè sẽ ngày càng nóng hơn. Thời tiết sẽ luôn tồi tệ hơn” - cô Maggiolo nói.

Tại Bồ Đào Nha, một nhóm thanh niên cho rằng biến đổi khí hậu làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần của họ. Do đó nhóm này đang làm thủ tục kiện các quốc gia châu Âu vì cho rằng các nước này đã gây ra biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, tại Canada, cuộc thăm dò quốc gia được tiến hành gần đây cho thấy 72% người dân Canada được khảo sát lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu. Họ tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng.

Tại châu Á, tờ The Hindu dẫn một cuộc khảo sát vào tháng 5 cho thấy khoảng 81% người dân ở Ấn Độ lo lắng về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, 64% người Ấn Độ cho rằng chính phủ nên hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề khí hậu.

16climate-anxiety-dispatch-ckgl-superJumbo.jpg
Lũ lụt ở ngoại ô thành phố Larissa (Hy Lạp) vào tháng 9. Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo lên tiếng

Nhiều lãnh đạo thế giới bày tỏ sự lo lắng về hậu quả của biến đổi khí hậu trong kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) và các cuộc họp liên quan.

Ngày 20-9, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu nằm trong khuôn khổ kỳ họp Đại Hội đồng LHQ, diễn ra trụ sở LHQ (TP New York, Mỹ), Tổng thư ký LHQ - ông António Guterres cảnh báo "nhân loại đã mở cánh cổng địa ngục", trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu xảy ra ngày càng nhiều trên toàn cầu.

Trước đó, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng LHQ hôm 19-9, ông Guterres cảnh báo các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra một cách chậm chạp. Ông Guterres cũng kêu gọi các nước dừng mở rộng khai thác than, dầu khí.

“Mọi lục địa, mọi khu vực và mọi quốc gia đều cảm thấy nhiệt độ nóng lên, nhưng tôi không chắc tất cả nhà lãnh đạo đều cảm thấy sức nóng đó. Thời đại nhiên liệu hóa thạch đã mang đến những thất bại” - ông Guterres nói.

Trước đó, ngày 18-9, trong cuộc họp mở đầu Tuần lễ khí hậu của LHQ, bà Vanessa Kerry - đặc phái viên về sức khỏe và biến đổi khí hậu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức về sức khỏe.

“Biến đổi khí hậu đang giết chết chúng ta. Biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Chúng ta không nên đo lường thất bại của mình bằng việc nhiệt độ tăng bao nhiêu, mà bằng số sinh mạng đã mất” - bà Kerry nói.

Tại phiên khai mạc kỳ họp Đại Hội đồng LHQ, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia phát triển viện trợ hàng tỉ USD như đã hứa cho các nước nghèo, để giúp các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

12libya-4-zfvg-superJumbo.jpg
Nhiều khu vực ở Derna (Libya) bị lũ tàn phá nặng nề. Ảnh: AFP

Không chỉ ông Guterres hay bà Kerry, nhiều lãnh đạo cũng bày tỏ sự quan ngại về việc biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến toàn cầu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại hội đồng LHQ nói trên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về “mối đe dọa hiện hữu” của biến đổi khí hậu, theo tờ The Telegraph.

“Những hiện tượng khí hậu gần đây thể hiện những gì đang chờ đợi chúng ta, nếu chúng ta không giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch” - ông Biden nói.

Trong khi đó, Tổng thống Colombia - ông Gustavo Petro cho rằng biến đổi khí hậu là "mẹ của mọi cuộc khủng hoảng" và thế giới nên nỗ lực hướng tới một nền kinh tế không carbon.

Ông Petro kêu gọi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hòa bình nhằm giải quyết xung đột, để nhân loại có thể tập trung vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm