Đại sứ Việt Nam tại Israel, ông Lý Đức Trung

Cuộc trò chuyện thú vị với Đại sứ Việt Nam tại Israel về 'trí tuệ Do Thái'

(PLO)- Bối cảnh lịch sử và môi trường địa chính trị tại hai khu vực Trung Đông – Châu Phi và Châu Á – Thái Bình Dương có nhiều điểm tương đồng, Việt Nam và Israel trở thành những dân tộc gan góc, vượt lên trên rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước.

Năm 2023 mang tính dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Israel khi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có chuyến thăm chính thức Israel hồi tháng 7-2023. Đây là lần đầu tiên sau tám năm đoàn cấp cao của Việt Nam do một Phó Thủ tướng dẫn đầu thăm Israel. Năm nay cũng đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày độc lập Nhà nước Israel (1948 – 2023).

Dịp này, Pháp Luật TP.HCM có trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Israel, ông Lý Đức Trung, về quan hệ hai nước và những bài học thực tiễn mà Việt Nam cần học hỏi từ Israel, đất nước đứng lên làm giàu và phát triển phồn thịnh từ hoang mạc.

“Tôi đến Israel nhận nhiệm vụ từ khoảng giữa năm 2022. Về cảm nhận riêng của cá nhân, tôi rất ấn tượng với ba đặc trưng về đất nước Israel: Sức mạnh của nguồn lực con người, tinh thần sáng tạo và văn hoá khởi nghiệp”- Ông Trung chia sẻ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (trái) có chuyến thăm chính thức Israel hồi tháng 7-2023. Ảnh: ĐSQVN tại Israel
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (trái) có chuyến thăm chính thức Israel hồi tháng 7-2023. Ảnh: ĐSQVN tại Israel

Nuôi dưỡng trí tuệ Do Thái, sức sáng tạo và khởi nghiệp

. Phóng viên: Làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Israel trong thời gian qua, ông có cảm nhận và ấn tượng như thế nào về nguồn lực con người Israel vì quốc gia này diện tích rất nhỏ, nửa diện tích đất đai là hoang mạc và bán hoang mạc, chỉ 20% diện tích đất đai là có thể trồng trọt, nguồn tài nguyên cũng vô cùng khiêm tốn nhưng lại là một quốc gia rất phát triển?

+ Đại sứ Lý Đức Trung: Các bạn đã nghe nhiều về “hiện tượng Israel”, đây là một đất nước có tài nguyên thiên nhiên gần như bằng không, điều kiện tự nhiên rất bất lợi cộng với một không gian sinh tồn luôn chứa đựng nhiều căng thẳng, xung đột ở mọi quy mô và cấp độ. Vốn liếng duy nhất mà họ có thể sử dụng chính là con người, và họ đã phát huy hết những năng lực của con người để tự chủ, phát triển đất nước và khẳng định vị thế.

Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên “con người” mà cụ thể hơn là “trí tuệ Do Thái”, Israel rất chú trọng đến giáo dục và đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng nhân tài.

Theo số liệu năm 2022, Israel là quốc gia có trình độ học vấn cao thứ năm trên thế giới, với hơn 50% dân số hoàn thành giáo dục đại học. Ba cơ sở đào tạo lớn của Israel nằm trong tốp 100 các trường đại học tốt nhất thế giới (Hebrew University of Jerusalem, Technion–Israel Institute of Technology và Weizmann Institute of Science). Hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Meta, Intel, Oracle, Apple, Google, Microsoft… đều có chi nhánh nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại Israel để tận dụng nguồn chất xám tại nước này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ hai từ phải) và Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung (trái) làm việc với lãnh đạo Israel. Ảnh: ĐSQVN tại Israel.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ hai từ phải) và Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung (trái) làm việc với lãnh đạo Israel. Ảnh: ĐSQVN tại Israel.

. Ông cho biết là rất ấn tượng về sức sáng tạo của người Israel. Điều đó được biểu hiện như thế nào, thưa ông?

+ Nghịch cảnh cũng là động lực chính thúc đẩy tinh thần sáng tạo của đất nước và con người Israel. Ngay từ những ngày đầu quay lại lập quốc, khi phát hiện đất đai khô cằn và thiếu nước, người Israel đã quyết định ưu tiên phát triển khoa học cơ bản và coi khoa học kỹ thuật là cứu cánh và phao cứu sinh của Nhà nước Do Thái... Và đến nay Israel đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nông nghiệp và công nghệ.

Song song với đó, người Israel tập trung nuôi dưỡng và phát triển văn hóa phản biện, phản biện tức là tìm thấy điều hay hơn, tốt đẹp hơn và phản biện để phát triển.

Người Israel thích trao đổi, tranh luận gay gắt với nhau nhằm tìm ra chân lý. Nhà trường luôn duy trì nguyên tắc học sinh có quyền hỏi lại thầy cô giáo “vì sao” và thầy cô sẽ phải giải thích, thuyết phục học sinh chứ không “áp đặt”. Khi học sinh đề xuất sáng kiến hay, thầy cô giáo sẽ hoan nghênh và chăm chú tiếp nhận.

Văn hóa tranh luận, phản biện đã thấm vào trẻ em từ khi còn học trong nhà trường đến khi lớn lên, tham gia vào lực lượng lao động xã hội.

Ở cấp độ quốc gia, Israel có chính sách “nuôi dưỡng sức sáng tạo” thông qua những khoản ngân sách riêng và đa dạng hóa nguồn lực dành cho cho đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển. Năm 2020, Israel chi 5,44% GDP cho nghiên cứu và phát triển, cao hơn mức trung bình của các nước OECD (2,96%) và các nước có thu nhập cao (1,86%). Israel đứng thứ 16 trong tổng số 132 nền kinh tế được đánh giá theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) trong năm 2020.

. Israel nổi tiếng với văn hóa khởi nghiệp, ông có thể giải thích lý do?

+ Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ăn sâu trong tâm thức, trong bản năng của người dân Israel. Tinh thần này được thể hiện xuyên suốt trong các trường học, cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, tổ chức và các địa phương, tạo thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng khắp trên cả nước. Với nền tảng đó, Israel đã xây dựng thành công “văn hoá khởi nghiệp” cùng thương hiệu “quốc gia khởi nghiệp” và còn phát huy chúng thành công cụ “ngoại giao đổi mới sáng tạo” với các quốc gia khác.

Để làm được điều này, Israel triển khai nhiều chương trình khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo điều kiện chuyển giao tri thức giữa các đơn vị học thuật (viện nghiên cứu, trường đại học) và các công ty nghiên cứu và phát triển có khả năng thương mại hóa tốt các sản phẩm trí tuệ. Đây là một điều đặc biệt ở Israel.

Ngoài ra, theo quan sát của tôi, nghĩa vụ quân sự bắt buộc là một điểm đặc biệt thúc đẩy nội lực khởi nghiệp của rất nhiều thanh niên trẻ tại Israel. Trong quân ngũ, nhiều người đã có cơ hội học thêm về khoa học và công nghiệp. Hơn nữa, môi trường và văn hóa trong quân đội cũng khuyến khích khởi nghiệp, điều đó giúp cho nhiều bạn trẻ thấm nhuần những giá trị cần thiết để khởi nghiệp sau này.

Ngoài ra, khi đến Israel, chúng ta có thể được chứng kiến các thanh niên mang trong mình dòng máu Do Thái từ khắp các nước, các châu lục hàng năm trở về tự nguyện tham gia quân ngũ, tự nguyện nhập quốc tịch Israel. Họ mang theo hành trang là tri thức, đặc trưng văn hóa của các dân tộc khác về làm giàu thêm bản sắc Do Thái và góp thêm sức lực củng cố vị thế của “quốc gia khởi nghiệp” cũng như lĩnh hội được những giá trị tiêu biểu của tinh thần “khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” mà Nhà nước Do Thái Israel đã xây dựng thành chính sách quốc gia rất căn cơ từ năm 1948 đến nay.

Việt Nam và bài học từ văn hóa khởi nghiệp Israel

. Nhiều người thường nhắc lại vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần học cách khởi nghiệp vì Israel là quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Trải nghiệm công việc ở đó, ông nghĩ đâu là những bài học mà doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp thu?

+ Từ trải nghiệm của cá nhân, tôi cho rằng có một số nét đặc trưng của các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp Israel mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo.

Các doanh nghiệp Israel nổi tiếng với khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Họ liên tục đưa ra các ý tưởng mới và quyết liệt trong khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và những lĩnh vực truyền thống đòi hỏi giải pháp mới như nông nghiệp và công nghiệp chế tạo cũng như những lĩnh vực mang tính tiên phong như công nghệ tài chính, công nghệ khí hậu, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống...

Ngoài ra, một bài học quan trọng mà cá nhân tôi quan sát thấy là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Israel nói riêng và người dân nước này nói chung có tinh thần không ngại thất bại. Họ hình thành văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro để có thể đi tiên phong trong việc thương mại hoá những ý tưởng, sáng kiến tưởng chừng như “điên rồ” nhất.

Trong 10 ý tưởng khởi nghiệp thì có thể có tận 7-8 ý tưởng thất bại và chỉ có 2-3 ý tưởng thành công nhưng việc dám dấn thân và dám chấp nhận mạo hiểm sẽ mang đến thành công lớn hơn và tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển hơn nữa.

Bên cạnh đó, Israel đã và đang trở thành một nền kinh tế định hướng theo giải pháp, cụ thể các ngành dịch vụ đóng góp khoảng gần 75% GDP của Israel. Theo đó, nhiều doanh nghiệp của Israel đạt được thành công, tạo ra sự khác biệt và giá trị gia tăng chỉ từ việc tìm ra mọi loại giải pháp và cung ứng các dịch vụ để giải quyết vấn đề của bên khác.

Một điểm đặc biệt, các doanh nghiệp Israel có khả năng quảng bá và chào hàng sản phẩm rất ấn tượng. Người Israel luôn ghi chú rất cụ thể những điều người khác muốn, sử dụng nghệ thuật bán hàng mềm dẻo để không đặt mục tiêu bán hàng lên hàng đầu, chỉ đơn giản kể những câu chuyện về khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy họ không bị động trong việc ra quyết định. Các doanh nghiệp Israel cũng biết cách dùng những thành công và trải nghiệm trong quá khứ để đẩy thương hiệu hiện tại lên và đẩy giá sản phẩm của mình cao hơn so với bình thường mà vẫn được khách hàng chấp nhận.

Việt Nam và Israel trong thời gian qua không ngừng nâng cao hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, công nghệ cao... Ảnh: ĐSQVN tại Israel.
Việt Nam và Israel trong thời gian qua không ngừng nâng cao hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, công nghệ cao... Ảnh: ĐSQVN tại Israel.

Và cả những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp chất lượng cao

. Israel rất nổi tiếng về giai thoại “phát triển nông nghiệp chất lượng cao trên nền hoang mạc, bán hoang mạc”. Liệu chúng ta có thể học tập gì từ họ để phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở Việt Nam, một đất nước có điều kiện thuận lợi về phát triển nông nghiệp?

+ Trên thực tế, nhiều ứng dụng công nghệ cao ở Israel bắt đầu với ngành nông nghiệp. Nhiều người vẫn xem nông nghiệp đồng nghĩa với lạc hậu về công nghệ, thế nhưng 95% bí mật làm nên năng suất nông nghiệp phi thường của Israel không gì ngoài công nghệ. Hay như cố Tổng thống Israel Simon Peres từng khẳng định “nông nghiệp là một công việc trong đó 95% khoa học, 5% lao động”.

Nhìn nhận về môi trường phát triển nông nghiệp của Việt Nam và Israel, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khiến Việt Nam phải hứng chịu bão lũ thường xuyên, còn Israel lại là đất nước có phần lớn diện tích là sa mạc, nguồn nước ngọt rất hiếm khan hiếm, nhưng họ đã vượt qua khó khăn, chinh phục được thiên nhiên.

Họ đã dùng sức người, năng lực trí tuệ cũng như sự sáng tạo không giới hạn để cải tạo thiên nhiên. Từ một quốc gia không có nước ngọt, Israel đã xuất khẩu nước ngọt. Từ một quốc gia chỉ toàn cát, Israel đã canh tác nông nghiệp trên sa mạc, có thể nuôi trồng thủy sản, tạo ra những loại cây trái có chất lượng cao nhất trên thế giới.

Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp thông minh cũng là một trong những điển hình về mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Israel.

Năm 2011, Israel đầu tư phần vốn tăng thêm là 100 triệu USD cho Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, do Công ty TH True Milk là chủ đầu tư. Năm 2017, các doanh nghiệp Israel tham gia dự án hợp tác trồng rau sạch trong nhà kính tại Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Củ Chi và nhiều tỉnh thành khác của Công ty VinEco. Nhiều tu nghiệp sinh nông nghiệp Việt Nam sau khoá học trải nghiệm “làm nông dân hiện đại” 11 tháng tại Israel đã trở về áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm trồng trọt của Israel để khởi nghiệp mở nông trại tại Việt Nam.

Hiện nay và cả trong tương lai, Việt Nam đang và sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và những yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới về số lượng, hình thức, chất lượng, chủng loại nông sản như hiện nay.

Các địa phương của Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ với Israel để tìm giải pháp mới trong nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra năng suất cao, cải thiện giống cây trồng, cải thiện chất lượng bảo quản sau thu hoạch, qua đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thế giới.

Phải khẳng định lại lần nữa nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực hợp tác được ví như “cơ hội không thể để tuột mất” ra khỏi vòng tay hợp tác của hai nước, các thành tựu về công nghệ giống, nuôi trồng, tưới tiêu, bảo quản sau thu hoạch và thương mại hóa của Israel rất đáng để học tập.

Thời gian tới, tiềm năng trong hợp tác nông nghiệp cần được khai thác mạnh hơn để phục vụ cho xuất khẩu khi VIFTA được đưa vào thực thi và nỗ lực tìm tiếng nói chung trong hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel theo hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp có kết quả.

Ngày 17-8 vừa qua, ở trong nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 về ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Kế hoạch này cũng sẽ tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam không chỉ kết nối hợp tác quốc tế nói chung trong lĩnh vực nông nghiệp mà sẽ tạo dư địa lớn hơn để mở rộng hợp tác Việt Nam – Israel trong thực hiện các mục tiêu chiến lược về nông nghiệp của cả hai quốc gia.

Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Israel thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết và quan hệ hợp tác hai nước. Ảnh: ĐSQVN tại Israel.
Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Israel thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết và quan hệ hợp tác hai nước. Ảnh: ĐSQVN tại Israel.

Những cơ hội do doanh nghiệp Việt – Israel tìm đến nhau

. Năm ngoái, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phối hợp với Phòng Thương mại Israel-châu Á tổ chức Lễ khai trương Phòng Thương mại Israel – Việt Nam. Hoạt động của đơn vị này cho đến thời điểm hiện nay và sắp tới có những dấu ấn nổi bật nào?

+ Phòng Thương mại Israel – Việt Nam kể từ khi được thành lập đến nay đóng vai trò hỗ trợ Đại sứ quán trong việc kết nối các doanh nghiệp Israel có nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư, giao lưu thương mại và kết nối doanh nghiệp hai nước tại Việt Nam và ngay tại Israel.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều khả năng sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội và triển vọng tiếp cận với thị trường Israel.

Các hoạt động phối hợp giữa Đại sứ quán và Phòng Thương mại được triển khai theo đúng tinh thần lấy “người dân, doanh nghiệp, địa phương” làm trung tâm phục vụ của Chỉ thị 15 của Ban Bí thư ban hành năm 2022 về ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Vai trò hỗ trợ, xúc tiến thương mại của tất cả các chủ thể liên quan đều rất quan trọng. Họ như những “bà đỡ” giúp các doanh nghiệp gia tăng kết nối giao thương.

Cụ thể là trong 10 năm (2012-2022), tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Israel tăng 10 lần (từ khoảng hơn 200 triệu USD lên tới 2,2 tỷ USD). Khi hiệp định thương mại tự do được ký kết, vai trò của các chủ thể, các bên liên quan trong xúc tiến thương mại và hợp tác kinh tế lại càng quan trọng hơn. Phòng Thương mại sẽ là nơi các doanh nghiệp đến gõ cửa để tìm kiếm thông tin về các cơ hội mà hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra.

VIFTA là một hiệp định thương mại tự do mang tính chất truyền thống nhưng chứa đựng các thành tố thế hệ mới về phẩm chất qui cách, an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ hàng hóa bên cạnh các qui định cơ bản về thuế và hạn ngạch.

Trong khi đó, hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Israel gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô... Về nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD, cụ thể bao gồm các mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giầy dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm…. rất đáng kể đối với thương mại hàng hóa.

Bên cạnh đó, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD; vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel, nhất là sau khi VIFTA chính thức mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta.

Hơn nữa, trên cơ sở cơ cấu kinh tế hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực, hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau giúp cả hai bên đều có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau.

Kể từ tháng 9-2022, Israel đã "hạ chuẩn" bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn EU về an toàn thực phẩm, loại bỏ hầu hết các qui định tiêu chuẩn riêng của Israel vốn khắt khe hơn tiêu chuẩn EU đối với hàng hóa tiêu dùng. Trong khi đó, từ năm 2020, hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối theo hiệu lực của EVFTA. Vì vậy, hàng hóa của ta đã vào EU sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel khi VIFTA có hiệu lực.

Tiếp đó, tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng để nhập khẩu đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng. Đây là những đặc điểm quan trọng có thể tạo ra dư địa rất lớn cho hàng hoá của Việt Nam vào Israel trong thời gian tới.

Đặc biệt quan trọng, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang Israel ngày càng có nhiều triển vọng sau khi diện cấp thị thực điện tử đã được mở rộng từ 15-8-2023 và các chuyến bay thẳng dự kiến sẽ được khai trương trong thời gian tới.

Như Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay sẽ có đường bay thẳng giữa Hà Nội và Israel do Vietjet thiết lập. Như vậy, trong tương lai không xa, hai bên sẽ thấy những dấu hiệu tăng trưởng mới trong hợp tác du lịch và thương mại cũng như các lĩnh vực khác, đồng thời nhiều sản phẩm Việt Nam sẽ được xuất khẩu đến Israel và nhiều công nghệ Israel sẽ được đưa vào Việt Nam.

Dấu ấn 30 năm Việt Nam - Israel . Trong 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Israel, xin ông điểm lại những điểm sáng hay những thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước, và cả thành tựu ở các diễn đàn đa phương? Trong thời gian tới, đâu là những “kế hoạch quan trọng” về hợp tác phát triển kinh tế, xã hội mà Việt Nam và Israel đang ấp ủ và thực hiện?

+ Ngay sau khi Việt Nam tiến hành Đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy giao thương với các nước, đã có nhiều người Israel đến thăm và tìm hiểu cơ hội kinh doanh từ những năm cuối thập niên 80 và đầu 90, khi hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào ngày 12-7-1993, Việt Nam và Israel đã chính thức đặt bút ký kết văn kiện chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Israel đã trải qua những mốc phát triển quan trọng.

Năm 1993, Israel mở Đại sứ quán tại Hà Nội và năm 2009, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv. Điều này không chỉ đơn thuần đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực khác. Theo sau đó, các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai bên đã được triển khai sôi động và tích cực từ 1996 đến nay, đồng thời hai bên cũng ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau.

chính trị

Về kinh tế, Israel hiện đứng thứ ba trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trong năm 2018, trao đổi thương mại hai nước đạt 1,2 tỷ USD, và đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD và đang có đà tăng mạnh trong thời gian tới.

Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng khi sau bảy năm, trải qua 12 vòng, Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán và chính thức ký kết VIFTA – Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đây cũng điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỉ USD ngay trong thời gian tiếp theo.

Kỳ họp lần thứ ba Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác tổ chức vào tháng 8-2023, được nối lại sau sáu năm tạm thời ngắt quãng. Thị thực điện tử của Việt Nam cũng đã được mở rộng cho người dân, khách du lịch Israel và các tuyến bay thẳng giữa hai nước dự kiến cũng sắp được khai trương.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp thông minh, giao lưu nhân dân cũng diễn ra hết sức sôi động, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mang tới cơ hội học tập và tăng tần suất đi lại du lịch cho nhân dân hai nước.

Trong chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel cũng đã thúc đẩy thành công việc thành lập Hội hữu nghị Israel - Việt Nam và khai trương Không gian Văn hoá và Du lịch Việt Nam tại thành phố Netanya, Israel.

Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat khẳng định Israel muốn tập trung vào bảy nhóm ngành nước này có thế mạnh gồm: Công nghệ cao; an ninh nội địa; ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất; y tế và các lĩnh vực khoa học đời sống; lĩnh vực công nghệ sa mạc, nông nghiệp, thực phẩm; du lịch ứng dụng công nghệ cao. Những lĩnh vực này đều tương thích với các ưu tiên và chiến lược phát triển của Việt Nam.

Cụ thể, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia trong khi Israel có thế mạnh về công nghệ, nghiên cứu phát triển và các mô hình khởi nghiệp nên hai bên có thể “khớp nối” để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao, nghiên cứu và trao đổi các giải pháp phù hợp. Israel cũng có nhu cầu lớn về lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, xây dựng và dịch vụ nhà hàng – khách sạn, trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công hợp lý và ngày càng được đào tạo bài bản. Trong thời gian tới, quá trình đàm phán hiệp định lao động sẽ được hai bên nỗ lực tháo gỡ vướng mắc và sẽ tiếp tục mở ra triển vọng hợp tác lao động trong những lĩnh vực khác.

Về hợp tác khoa học công nghệ, Đại sứ quán sẽ coi đây là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Hi vọng các nội dung thảo luận tại kỳ họp lần thứ Ba của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 16-8-2023 sẽ mang đến những tín hiệu tích cực và là chất xúc tác thúc đẩy một mối quan hệ đối tác hợp tác như vậy phát triển.

Đọc thêm