Cuối năm 2021: Kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP (Nghị quyết 63) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nỗ lực tiêm vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng

Theo đó, một trong những mục tiêu đến cuối năm 2021 là kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể…

Nhằm mục tiêu đẩy lùi dịch COVID-19, bản Nghị quyết 63 đề ra phương châm: Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược vaccine, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19.

Thủ tướng thăm Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 Nanocovax tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: VGP

Cùng đó là tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19; tập trung cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có các đối tượng thuộc địa bàn, ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trong các ngành thương mại, dịch vụ.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp, chợ đầu mối, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vaccine trong nước.

GDP quý II-2021 ước tăng 6,61%

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020. 

Xử lý nghiêm tiêu cực trong giải ngân vốn đầu tư công

Cùng với việc đẩy lùi đại dịch, Nghị quyết 63 cũng đặt ra mục tiêu là phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III-2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch…

Nhằm thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ nhấn mạnh đến yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu… Từ đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài...

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Cùng đó là đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đồng thời rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn…

Để thúc đẩy quá trình này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng đơn vị, dự án, công trình để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn. Nhất là kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra…

Chính phủ nhấn mạnh kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Cùng đó là xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng.

Sớm có chính sách về thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Tại Nghị quyết 63, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết 63 đề ra chín nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Một là tập trung cao độ phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hai là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Ba là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bốn là rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Năm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Sáu là thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững. Bảy là tập trung các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…

Tám là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân… tăng cường giám sát không gian mạng để loại bỏ các thông tin xấu độc; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Chín là củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm