Cuối năm 2022: Không còn sổ hộ khẩu giấy, dùng giấy tờ gì thay thế?

Từ xưa đến nay sổ hộ khẩu và sổ tạm trú có giá trị quan trọng đối với mỗi người dân. Đây là hai cuốn sổ thể hiện, chứng minh thông tin cư trú của mỗi người và liên quan đế rất nhiều thủ tục hành chính trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực kể từ 1-7-2021 thì đã có những quy định mới liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.

Từ 1-1-2023, không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy 

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú 2020, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Như vậy, có thể thấy hết năm 2022 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Thay vào đó, cơ quan quản lý cư trú sẽ quản lý người dân bằng dữ liệu điện tử có trong Cơ sở dữ liệu về dân cư.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hiện tại chỉ còn giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2022. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, dùng giấy tờ gì để xác nhận thông tin cư trú?

Trước thông tin này, một số bạn đọc đã gửi đến PLO thắc mắc: Sau khi không dùng sổ hộ khẩu bằng giấy nữa thì dùng giấy tờ gì để xác nhận thông tin cư trú?

Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng thì công dân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý cư trú (Công an) cấp Giấy xác nhận thông tin sử dụng để chứng minh thông tin khi cần dùng đến.

Theo quy định tại Điều 17, Thông tư 55/2021 của Bộ Công an thì công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể thực hiện bằng hai cách:

Cách thứ nhất là gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Cách thứ hai là đến trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước (không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân) để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.

Giấy xác nhận thông tin về cư trú có các nội dung như: Thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị sáu tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú (nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú) xác nhận về việc khai báo cư trú. Và có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp đối với trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.

Trường hợp thông tin về cư trú của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh và được cập nhật trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì Giấy xác nhận thông tin về cư trú hết giá trị kể từ thời điểm thay đổi.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản (có chữ ký và đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) theo yêu cầu của công dân.

Ngoài ra, thẻ CCCD gắn chíp hiện nay cũng đã tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của một người, trong đó có thông tin về cư trú.

Do đó, sắp tới khi việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, nhành, cơ quan, tổ chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện thì người dân hoàn toàn có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để chứng minh các nội dung liên quan đến thông tin cư trú của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm