Cưỡng chế khách sạn lớn nhất Đồng Nai

Theo bản án, năm 2011, Công ty Vĩnh Tường vay ngân hàng 188 tỉ đồng, bị nợ quá hạn, không có khả năng thanh toán. Thông qua bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Công ty Vĩnh Tường được Công ty Orient Industry Investment, LTD (Anh) cho vay 10 triệu USD (hơn 209 tỉ đồng vào thời điểm vay) trong thời hạn chín tháng, lãi suất 1%/tháng.

Khách sạn Wooshu bị cưỡng chế

Sau thanh lý hợp đồng vay, ngân hàng giao cho bà Hạnh giữ toàn bộ giấy tờ hai thửa đất 3.900 m2 và tài sản gắn liền trên đất là một khách sạn 16 tầng ở TP Biên Hòa của Vĩnh Tường. Đồng thời hội đồng thành viên Công ty Vĩnh Tường còn ký ủy quyền cho bà Hạnh được quản lý, sử dụng, cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng đối với khối tài sản trên.

Khi quá hạn vay, Công ty Vĩnh Tường không trả vốn, lãi nên tháng 7-2012, bà Hạnh ủy quyền bán khối tài sản trên cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai với giá 228 tỉ đồng. Thời điểm này Công ty Vĩnh Tường không chịu giao tài sản nên công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai khởi kiện vụ việc ra tòa.

Xử sơ thẩm, tòa buộc Công ty Vĩnh Tường có nghĩa vụ giao toàn bộ khối tài sản cho Vĩnh Thiện và chịu các khoản thuế liên quan. Không chấp nhận, Công ty Vĩnh Tường kháng cáo.

Ngày 14-10-2013, tại phiên xử phúc thẩm, Công ty Vĩnh Tường thừa nhận có việc nhận 10 triệu USD và dùng tiền này thanh toán nợ ngân hàng nhưng cho rằng đây là khoản tiền Orient hợp tác kinh doanh trò chơi có thưởng. Tuy nhiên khi trả lời phần xét hỏi của tòa, Công ty Vĩnh Tường thừa nhận, không có giấy phép kinh doanh trò chơi có thưởng, chưa được cơ quan nào cấp phép.

Về nội dung, việc Vĩnh Tường cho rằng hợp đồng vay vốn Orient giả tạo là không có cơ sở vì Vĩnh Tường đã nhận 10 triệu USD để trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, hợp đồng kinh doanh trò chơi có thưởng chưa phát sinh hiệu lực, không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và việc Vĩnh Tường nại ra hợp đồng trò chơi có thưởng thực chất là nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nên không có cơ sở để chấp thuận.

Vì vậy, TAND Tối cao tuyên bác kháng cáo của Công ty TNHH Vĩnh Tường, y án sơ thẩm buộc Vĩnh Tường có nghĩa vụ giao toàn bộ khối tài sản cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai và chịu các khoản thuế liên quan.

Sau khi bản án của Tòa phúc thẩm có hiệu lực, Cục Thi hành án Dân sự Đồng Nai đã quyết định thi hành bản án nhưng đương sự không tự giác chấp hành. Đến nay, sau khi hết thời gian tự nguyện chấp hành, nhưng không được, buộc phải dùng biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Lâm Xuân Bốn, Quyền Chánh văn phòng, người phát ngôn của Cục Thi hành án dân sự Đồng Nai thì việc cưỡng chế thi hành án đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục mà Luật Thi hành án quy định.

Văn Ngọc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm