Ngày 11-5 vừa qua, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã xử sơ thẩm, phạt Trần Quý Nhuận bốn năm sáu tháng tù, Trần Tuấn Vinh ba năm tù về tội cướp giật tài sản theo khoản 2 Điều 136 BLHS với các tình tiết tăng nặng định khung là dùng thủ đoạn nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
Rút kiếm, dao, súng uy hiếp, đạp xe nạn nhân
Trước đó, hai bị cáo bị truy tố vì gây ra năm vụ cướp giật tại địa phương với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt gần 56 triệu đồng. Điều đáng chú ý là có hai vụ trong năm vụ cướp giật này gây nhiều băn khoăn về tội danh áp dụng với hai bị cáo. Bởi lẽ trong hai vụ này, sau khi giật được tài sản, bị nạn nhân đuổi theo, hai bị cáo đã dừng lại rút kiếm, dao, súng bắn điện đe dọa nạn nhân hoặc đạp xe nạn nhân làm nạn nhân té ngã nhằm lấy bằng được tài sản.
Cụ thể, khoảng 0 giờ 10 ngày 17-8-2014, Nhuận chạy xe máy chở Vinh đến trước Công viên Yến Sào thì thấy anh Nguyễn Duy Tâm đang chạy xe máy chở chị Trần Thị Kim Chi, chị Chi có đeo giỏ xách bên trong có điện thoại di động, tiền (tổng giá trị gần 5,1 triệu đồng) và giấy tờ tùy thân. Nhuận liền tăng tốc xe áp sát để Vinh giật giỏ xách của chị Chi rồi bỏ chạy.
Anh Tâm chở chị Chi đuổi theo. Nhuận bèn dừng xe trước một quán cà phê ở khu vực Hòn Chồng, xuống xe rút kiếm, dao lê, súng bắn điện ra rồi đưa cho Vinh cây súng bắn điện. Sau đó Nhuận hăm dọa, nói anh Tâm và chị Chi là “biến”. Hai nạn nhân bèn xin Nhuận, Vinh cho lấy lại giấy tờ tùy thân. Nhuận và Vinh đưa lại giỏ xách để chị Chi lấy giấy tờ. Sau đó chúng lấy giỏ xách, tiếp tục chở nhau đến khu vực Hòn Một rồi lục lấy tiền, điện thoại đem bán chia nhau tiêu xài.
Đến tối 18-9-2014, Nhuận chạy xe máy chở Vinh đến trước bưu điện 50 Lê Thánh Tôn thì thấy anh Lê Ngọc Hải chạy xe máy chở cháu Trần Thị Bích Loan (14 tuổi), cháu Loan có đeo giỏ xách bên trong có hai điện thoại di động và 500.000 đồng. Nhuận tăng tốc xe áp sát để Vinh giật giỏ xách của cháu Loan rồi bỏ chạy. Anh Hải chở cháu Loan đuổi theo thì bị Vinh đạp vào xe làm hai nạn nhân té xuống đường trầy xước chân tay. Sau đó Nhuận, Vinh mang theo giỏ xách của nạn nhân, lục lấy điện thoại đem bán chia nhau tiêu xài.
Đến ngày 21-9-2014, Nhuận và Vinh bị bắt. Tại CQĐT, cả hai khai từ tháng 6 đến tháng 9-2014 còn thực hiện hàng loạt vụ cướp giật khác. CQĐT chỉ xác định được người bị hại trong năm vụ, còn 10 vụ thì chưa nên tách ra xử lý sau.
Hai bị cáo Nhuận và Vinh tại phiên tòa ngày 11-5. Ảnh: H.VĂN
Tội cướp tài sản
Về mặt pháp lý, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế nhận xét: Trong hai vụ giật giỏ xách của chị Chi và cháu Loan, các cơ quan tố tụng phải xử lý Nhuận, Vinh về tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) mới đúng vì hành vi của họ đã “chuyển hóa” từ cướp giật tài sản thành cướp tài sản.
Ông Quế phân tích: BLHS không quy định về chế định “chuyển hóa tội phạm”. Tuy nhiên, về mặt khoa học luật hình sự, được coi là hành vi phạm tội “chuyển hóa” từ tội này sang tội khác là trường hợp tội phạm mà người phạm tội định phạm hoặc đã phạm mất đi và tội phạm mới xuất hiện. “Chuyển hóa” chỉ áp dụng đối với một số trường hợp. Thực tiễn thường gặp một số trường hợp chuyển hóa từ trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản sang cướp tài sản; từ dâm ô, giao cấu với người chưa thành niên sang cưỡng dâm hoặc hiếp dâm… Thông thường việc “chuyển hóa” là chuyển từ tội nhẹ sang tội nặng. Ví dụ: Lúc đầu người phạm tội chỉ định giao cấu với trẻ em (từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) nhưng trong quá trình thực hiện tội phạm, nạn nhân không đồng ý, chống cự nên người phạm tội dùng vũ lực để thực hiện hành vi giao cấu thì lúc này hành vi giao cấu với trẻ em chuyển hóa thành hiếp dâm trẻ em.
Thực tiễn áp dụng trường hợp “chuyển hóa” hay bị nhầm lẫn với hành vi “hành hung để tẩu thoát” được quy định là tình tiết định khung hình phạt trong một số tội danh. “Hành hung để tẩu thoát” là trường hợp sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt nên có hành vi dùng vũ lực đối với chủ sở hữu hoặc những người khác nhằm mục đích để tẩu thoát chứ không mang theo tài sản chiếm đoạt. Nếu dùng vũ lực tuy để tẩu thoát nhưng có mang theo tài sản thì phải coi là đã chuyển hóa thành cướp tài sản. Nếu gây ra thương tích cho người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì tùy thuộc vào mức tỉ lệ thương tật mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS.
Trở lại vụ giật giỏ xách của chị Chi, lúc đầu hai bị cáo chỉ thực hiện hành vi cướp giật. Tuy nhiên, sau khi bị nạn nhân đuổi theo, hai bị cáo dừng lại, rút kiếm, dao lê, súng bắn điện đe dọa, uy hiếp nạn nhân để lấy cho được tài sản thì hành vi cướp giật ban đầu đã “chuyển hóa” thành cướp tài sản. Việc hai bị cáo đồng ý trả giấy tờ tùy thân cho nạn nhân không thay đổi bản chất hành vi mà hai bị cáo đã thực hiện vì giấy tờ tùy thân không phải là tài sản. Ở đây, sau khi đe dọa, hai bị cáo đã chiếm đoạt được tài sản là giỏ xách bên trong có điện thoại, tiền của nạn nhân.
Tương tự, ở vụ giật giỏ xách của cháu Loan, sau khi bị nạn nhân đuổi theo, hai bị cáo đạp xe nạn nhân làm nạn nhân té ngã nhằm mục đích vừa để tẩu thoát, vừa chiếm đoạt cho được tài sản. Thực tế sau khi nạn nhân té ngã, hai bị cáo đã mang theo được tài sản là giỏ xách bên trong có điện thoại, tiền nên hành vi cướp giật ban đầu của họ đã “chuyển hóa” thành cướp tài sản.
Từ các phân tích trên, ông Quế cho rằng nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì cấp phúc thẩm cần xem xét lại về tội danh của hai bị cáo trong hai vụ giật giỏ xách của chị Chi và cháu Loan. Nếu không có kháng cáo, kháng nghị và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật thì vụ án cần được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.
Hai trường hợp “chuyển hóa” Khoa học luật hình sự phân biệt hai trường hợp “chuyển hóa toàn bộ” và “chuyển hóa một phần”. “Chuyển hóa toàn bộ” là trường hợp tội phạm cũ không còn mà chuyển thành tội phạm mới hoàn toàn. Còn “chuyển hóa một phần” là trường hợp tội phạm cũ chỉ mất một phần nhưng tội phạm mới lại hình thành với đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ: A lẻn vào nhà chị B trộm được một tivi, một đồng hồ đeo tay và một sợi dây chuyền vàng. A vừa ra khỏi nhà chị B thì bị phát hiện. Vì muốn tẩu thoát nhanh nên A vứt lại tivi, chỉ mang theo đồng hồ, dây chuyền. Khi chồng chị B túm được tay A thì bị A rút dao đâm một nhát vào chân rồi bỏ chạy. Trong trường hợp này hành vi “chuyển hóa” từ trộm sang cướp nhưng chỉ đối với tài sản chiếm đoạt là đồng hồ và dây chuyền. Trường hợp “chuyển hóa một phần”, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội. Ở ví dụ trên, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp đối với tài sản là chiếc tivi và tội cướp tài sản đối với tài sản là đồng hồ, dây chuyền. Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên |