Trước giải, mấy ai biết cái Cúp “Sư tử” đấy nhưng nay thì còn “nổi” không kém cái giải cà phê ồn ào chuyện xử hàng loạt vua và cả “thái thượng”.
Mới trận đầu vòng tứ kết qua trận lượt đi HA Gia Lai - Hà Nội cái cúp “Sư tử” đã nóng đến ngột ngạt. Nóng vì tầm ảnh hưởng qua sự cố sau vòng 7 V-League khiến nhiều ông vua sân cỏ bị tâm lý sau vụ đơn kiện đẩy xuống là trọng tài bị “chém” không cần soi băng, không qua bộ phận chuyên môn.
Xô xát đã xảy ra trong đường hầm trận HA Gia Lai - Hà Nội.
Có những trọng tài giỏi và nổi tiếng nghiêm minh nhưng ra sân không thể không nghĩ đến những đội bóng to mồm và đứng phía sau là những ông bầu có máu mặt vì thế rất dễ bị văng miểng. Như trọng tài Ngô Duy Lân làm trận lượt đi HA Gia Lai - Hà Nội chắc chắn đã bị sức ép rất nặng đè nén khi bước ra sân Pleiku. Nói là bị đè nén vì ông Ngô Duy Lân xác định chỉ có làm đúng thì mình mới cứu được mình chứ chẳng ai cứu nổi, nhưng vấn đề tâm lý nặng nề hơn là đây lại là hai đội bóng của hai ông bầu có nhiều thế lực. Trận đấu mà nói như giới trọng tài là sẽ bị soi đủ hướng, đủ góc quay.
Và rõ ràng là trọng tài Ngô Duy Lân dù rất nỗ lực, rất cố gắng nhưng phần “loạn đả” vẫn xảy ra. Cái phần “loạn” ở trong đường hầm được quay lại bằng điện thoại sẽ còn nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng những cái đầu nóng, những lời qua tiếng lại đã khiến cái Cúp Quốc gia vốn lặng lẽ nay ồn ào nhiều tranh luận ở phần ngoài sân cỏ.
Văn Quyết ghi bàn trong trận hòa 2-2 giữa HA Gia Lai và Hà Nội.
Từ sân cỏ bước vào đường hầm chỉ vài mét nhưng cảnh xô xát chửi rủa và thách thức diễn ra ồn ào trong cảnh hỗn loạn khiến bộ phận an ninh phải can thiệp.
Bây giờ thì nhiều người lại lo cho trận lượt về không phải từ phía hai đội bóng mà phía những người cầm cân, những người hâm mộ với cái Cúp “Sư tử” căng như quả bóng luôn chực chờ vỡ.
Thực tế thì ngòi nổ đã lây lan từ sau vòng 7 V-League sang cái cúp này có cùng một bộ phận điều hành giải và những ứng xử đang nhận được khen chê từ nhiều góc độ khác nhau. Ban Trọng tài sau vụ bị “vỗ mặt” giờ vẫn làm đúng chức năng của việc phân công trọng tài nhưng vẫn ấm ức vì mất suất giám sát và vì quyền hành bị giảm sút. Các trọng tài thì cứ nhìn những đồng nghiệp bị xử rồi bắt đầu lo lắng và ra sân cũng sẽ bắt đầu sợ một số đội.
Đây là thời điểm mà rất dễ xảy ra hiện tượng “giậu đổ bìm leo”. Như vụ người lạ trong đường hầm sân Pleiku (thực chất là trọng tài hạng nhất Khổng Tam Cường), tiếp cận HLV đội Hà Nội Chu Đình Nghiêm. Không biết ông trọng tài hạng nhất sinh sống ở Pleiku tiếp cận HLV đội bạn để làm gì nhưng nhìn clip người lại nói để động viên xoa dịu còn các thành viên đội Hà Nội lại cho rằng đòi đánh HLV của Hà Nội. Và lập tức nhận ngay hàng loạt cơn mưa chửi và thậm chí là đòi hội đồng.
Trọng tài Cường không được phân công làm nhiệm vụ, không trong thành phần ban tổ chức sân xuất hiện ở đấy là sai và tiếp cận HLV đội khách dù là an ủi, động viên hay giải thích cũng sai nốt. Nhưng đấy lại là mồi lửa cho rất nhiều cái đầu nóng của đội khách lao vào gây náo loạn cả đường hầm. Lâu nay mọi người xem ban huấn luyện hay các cầu thủ ở khu kỹ thuật ai cũng thấy họ lành nhưng chỉ cách sân có vài mét vào đến đường hầm lại có đầy đủ lời lẽ và hình ảnh như một cuộc hành hung hay thanh toán kiểu xã hội đen.
Công Phượng đi bóng giữa vòng vây cầu thủ Hà Nội.
Cái Cúp “Sư tử” giờ nóng lên rồi và qua những gì mới chứng kiến thì cũng rất dễ “loạn” bởi nhiều cái đầu nóng, bởi hiềm khích và bởi những cái nhìn lệch lạc lẫn suy diễn và cả “thua làm giặc”.
Cúp “Sư tử” nóng lên nhưng nhiều người có cảm giác đấy lại là cái nóng từ “lò” nhiều hơn là từ cái hay, cái tinh túy về chuyên môn.
Giờ thì lại lây lan sang những cái đầu nóng và cả sự nóng ruột lẫn lo lắng của những nhà tổ chức đến bao giờ thì “cháy”.