Nếu so sánh trong 30 lần tổ chức giải, tiền lệ trực tiếp tất cả chặng thi đấu chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, với 16 chặng đấu, cộng thêm hai ngày nghỉ tổ chức trực tiếp talkshow, giải đấu lần thứ 31 còn kém hai buổi trực tiếp phát sóng so với mùa trước.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó ban Thể thao HTV Đài Truyền hình TP.HCM Đình Khôi cho biết: “Tuy chặng trực tiếp năm nay ít hơn so với năm trước nhưng áp lực tăng gấp đôi, bởi lộ trình đường đua năm nay khó hơn nhiều. Căng nhất là chặng đấu thứ 10, Pleiku - Tuy Hòa, có cự ly 220 km cũng là chặng dài nhất giải. Vì đường dài với thời tiết khắc nghiệt nên các bình luận viên dễ mất tập trung do phải làm việc căng thẳng liên tục nhiều ngày liền.
Bên cạnh đó, những chặng đua đường đèo thường gây khó khăn nhất cho êkíp làm trực tiếp. Do địa hình đồi núi hiểm trở, tín hiệu liên tục bị ngắt quãng. Để khắc phục tình trạng này, rất nhiều SIM 3G/4G được tăng cường đưa vào TVU (thiết bị phát tín hiệu di động chuyên dụng) nhằm bảo đảm cho đường truyền thật ổn định”.
Cúp Truyền hình 2019 tạo nên bước đột phá với quyết định truyền hình trực tiếp tất cả chặng thi đấu trên sóng truyền hình HTV. Ảnh: PHẠM HUY
Để thực hiện một buổi phát sóng trực tiếp đường dài như vậy, HTV phải huy động khoảng 70 nhân sự, trong đó có 23 đạo diễn hình, quay phim; năm bình luận viên và biên tập viên; bảy người quản lý kỹ thuật; 10 nhân viên phụ trách truyền - dẫn phát sóng…, đội xe 10 chiếc chuyên dụng dành cho việc di chuyển. Cùng với đó là một êkíp “cuốn chiếu” (di chuyển ngay đến địa phương kế tiếp) sau khi đoàn đua vừa về đến đích để chuẩn bị cho kịp buổi ghi hình vào sáng hôm sau.
Tại cuộc đua thứ 31 này, Cúp Truyền hình TP.HCM không có nhiều thay đổi ngoại trừ chặng đua Pleiku - Tuy Hòa lần đầu tiên được đưa vào khai thác. Sau một ngày tranh tài chặng ski tại TP Pleiku, chặng 10 dài 220 km được xem là thử thách khắc nghiệt (không kém các cung đường đèo) đối với các tay đua.
Trước đó, giải đấu dự kiến khai mạc vào ngày 12-4 tại TP Vinh (Nghệ An) nhưng sau lần tiền trạm gần đây, ban tổ chức quyết định khởi tranh trễ hơn một ngày. Theo đó, chặng đua cá nhân tính giờ dự kiến tổ chức tại Quy Nhơn cũng bị hủy bỏ. Cùng với đó, chặng đấu đồng đội tính giờ truyền thống được tổ chức tại Nha Trang cũng phải dời lên sớm hơn, tranh tài ngày 24-4 tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).
Trong suốt lộ trình 1.926 km, chia thành 16 chặng thi đấu, các tay đua thuộc 13 CLB xe đạp mạnh nhất cả nước lần lượt chinh phục chín ngọn đèo Ngang, Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân, An Khê, Măng Yang, Cả, Khánh Lê và Giang Ly để tìm ra tay đua đoạt chiếc áo chấm đỏ “Vua leo núi”.
Về lực lượng, mỗi CLB được phép tăng cường một tay đua ngoại binh. Đương kim vô địch giải đồng đội - VUS TP.HCM có sự phục vụ của tay đua người Tây Ban Nha Sarda Javier (mùa trước khoác áo Lộc Trời An Giang), cùng sự tái ngộ của Áo vàng 2017 Alex Ariya Phounsavath sẽ ít nhiều giúp đội đua TP.HCM tìm lại danh hiệu đã mất về tay Nguyễn Thành Tâm.
Thay thế vị trí Javier để lại, Lộc Trời An Giang cũng chiêu mộ thêm tay đua Mirsamad Pourseyedi, chân chạy cá nhân tính giờ số một người Iran. Anh cũng là đồng hương với Ali Khademi, tay đua từng nhiều năm chinh chiến tại các giải đua Việt Nam.
Cùng sở hữu ngoại binh Loic Desriac, Bikelife Đồng Nai cũng được đánh giá cao trong cuộc tranh áo vàng. Riêng Dược Domesco Đồng Tháp, dù đội không sở hữu ngoại binh nhưng với các tay đua nội như Tấn Hoài, Hoàng Thái, Nhật Nam, Quốc Bảo…, thầy trò HLV Trần Văn Quýt chính là một thế lực đáng sợ trên những cung đường đèo.