Ngày 1-11, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương lần thứ 11, khóa IX (bất thường), các đại biểu đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm ông Nguyễn Hồng Khanh, đại biểu HĐND tỉnh khóa IX (2016-2021).
HĐND tỉnh Bình Dương họp bất thường.
Theo đó, tham dự kỳ họp có 63/68 tổng số đại biểu. Tại kỳ họp, 63/63 đại biểu đã thống nhất bãi nhiệm ông Khanh do không đáp ứng được các tiêu chuẩn đại biểu HĐND.
Như PLO đã đưa tin, ngày 4-11 tới, TAND tỉnh Bình Dương sẽ đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu bí thư thị xã Bến Cát, Bình Dương) cùng sáu đồng phạm. Phiên tòa dự kiến kéo dài tới ngày 7-11.
Các đại biểu thống nhất bãi nhiệm đại biểu Nguyễn Hồng Khanh.
Trong đó, ba bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, Nguyễn Huy Hùng (cựu giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu phó trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Lê Hoài Linh (cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cựu cán bộ đo vẽ Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Minh Tâm (cựu phó chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ba trong bảy bị cáo sắp được đưa ra xét xử.
Riêng bà Hồ Thị Hiệp có hành vi giúp sức cho Khanh, Hùng và Lộc trong việc xử lý tài sản thế chấp nhưng đã qua đời vào năm 2016 nên cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm.
Theo cáo trạng, từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại An Tây - gọi tắt là Công ty An Tây) vay của BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỉ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm hơn 20 ha đất, nhà xưởng và máy móc định giá tài sản gần 81 tỉ đồng.
Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện từ năm 2012 đến 2015 do bị cáo Hùng chỉ đạo, quyết định. Trình tự và thủ tục hồ sơ do bị cáo Lộc trực tiếp thực hiện.
Phương thức xử lý tài sản thế chấp được BIDV giao cho bà Hiệp tự bán, dưới sự giám sát và đồng ý của phía ngân hàng.
Khu đất ông Nguyễn Hồng Khanh mua lại của Công ty An Tây.
Thông qua môi giới, bị cáo Khanh móc nối với Hùng, Lộc và Hiệp đã mua toàn bộ tài sản thế chấp với giá gần 46 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỉ đồng, thiệt hại gần 36 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689 m2 đất trị giá hơn 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng.
Các bị cáo Linh, Luân, Tâm, Thọ biết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 1.689 m2 kê khai không đúng với nguồn gốc đất thực tế nhưng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các thủ tục và ký xác nhận vào hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước đó, vào cuối năm 2018, bị cáo Khanh cùng các đồng phạm lần lượt bị bắt và bị Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam cho tới nay.