Cựu chủ tịch Khánh Hòa hầu tòa vì cấp phép dự án sai quy trình

(PLO)- Cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng khai cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trước rồi mới bổ sung vào quy hoạch trình Thủ tướng ký.

Ngày 23-12, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa sơ thẩm vụ án vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang, tức trụ sở cũ Trường Chính trị Khánh Hòa.

Trong vụ án này, 13 bị cáo bị đưa ra xét xử đều là cựu lãnh đạo tỉnh này; trong đó có ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Vinh, cựu chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái, cựu giám đốc Sở KH&ĐT, cựu giám đốc Sở TN&MT.

Hai bị cáo Lê Đức Vinh và bị cáo Võ Tấn Thái có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra, ông Đào Trung Chính, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ, được tòa triệu tập nhưng cũng có đơn xin vắng mặt.

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HUỲNH HẢI

Chỉ định thầu giao đất vàng không qua đấu giá

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Chiến Thắng với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các sai phạm trong việc khai thác quỹ đất cơ sở cũ của Trường Chính trị để thực hiện dự án BT Trường Chính trị.

Cụ thể đó là chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư; không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà ký hợp đồng BT với Công ty CP Thanh Yến xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất và ấn định giá trị khu đất được cố định, ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng.

Tại tòa, bị cáo này cho rằng đã căn cứ vào văn bản của Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét và chỉ định nhà đầu tư xem xét, đàm phán hợp đồng BT dự án Trường Chính trị theo quy định hiện hành. Đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố danh mục để kêu gọi đầu tư. Hai doanh nghiệp đăng ký đầu tư dự án là Công ty CP Thanh Yến và Công ty Đông Đô.

Nói về lý do ký hợp đồng với Công ty Thanh Yến, ông Nguyễn Chiến Thắng cho rằng ông nhận thấy công ty này có năng lực khi đã đầu tư nhiều dự án lớn tại tỉnh Khánh Hòa và tài trợ 8 triệu USD cho tỉnh tổ chức hoa hậu hoàn vũ.

“Bị cáo nhận thấy Công ty Hoàn Cầu (sau này là Thanh Yến - PV) có năng lực. Thẩm quyền chỉ định thầu là của mình nên công ty nào có năng lực là bị cáo chỉ định” - bị cáo Thắng khai.

Cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng trong trường hợp cấp bách là được chỉ định thầu. Sau đó, bị cáo đã ký thông báo giá đất để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi thực hiện hợp đồng BT Trường Chính trị.

Giải thích về việc ấn định giá trị khu đất được cố định, ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng, bị cáo Thắng cho biết thông tư của Bộ Tài chính về nguyên tắc thanh toán hướng dẫn xác định giá trị khu đất trước khi dự án BT hoàn thành thì tỉnh và nhà đầu tư phải tính toán điều kiện thanh toán để đảm bảo cho lợi ích cả hai bên.

Vận dụng quy định này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng quy chế, được tỉnh ủy đồng ý và HĐND tỉnh thông qua nghị quyết giá đất hoàn vốn dự án BT được giữ ổn định trong quá trình thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Chiến Thắng bị cáo buộc đã chỉ đạo thực hiện các sai phạm trong việc khai thác quỹ đất cơ sở cũ của Trường Chính trị.

Cấp phép dự án trước, bổ sung vào quy hoạch sau

Trả lời về cáo buộc ký giấy chứng nhận đầu tư không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang, cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng cho rằng đã ký phù hợp với quy hoạch đô thị của TP Nha Trang đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ký.

Theo quyết định của Thủ tướng thì khu đất số 1 Trần Hưng Đạo được quy hoạch là khu trung tâm đa chức năng không còn là đất trụ sở cơ quan. “Cho nên giấy chứng nhận đầu tư bị cáo ký là phù hợp với quy hoạch của Thủ tướng” - bị cáo Thắng nói.

Tuy nhiên, bị cáo này cũng thừa nhận thời điểm đó chưa phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang, chưa có dự án này. Đồng thời, bị cáo đã làm ngược quy hoạch do Luật Đất đai năm 2013 có quy định được phép bổ sung, điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, bị cáo đã cấp phép dự án trước sau đó điều chỉnh bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bị cáo nói Luật Đất đai cho phép cấp giấy chứng nhận đầu tư trước rồi bổ sung vào quy hoạch cho phù hợp.

Đại diện VKS đề nghị bị cáo Thắng giải thích vì sao các văn bản của bị cáo Lê Đức Vinh ký đều khẳng định đất thương mại dịch vụ nhưng bị cáo lại ký quyết định cho phép xây nhà để ở, để bán? Bị cáo Thắng cho rằng ông Vinh ký theo tờ trình của Sở TN&MT. Trong giấy chứng nhận đầu tư bị cáo ký là giao cho nhà đầu tư là đất 50 năm và cho phép xây nhà để ở, để bán.

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng cũng cho biết không đồng ý với tội danh bị truy tố. Bị cáo này cho rằng đã làm việc theo pháp luật, đã tham khảo ý kiến các sở, ngành và xin ý kiến thường trực tỉnh ủy.

Luật sư đề nghị xác định đúng tư cách tố tụng của UBND tỉnh

Trước khi thẩm tra lý lịch các bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng, HĐXX thông tin do có sai sót trong khâu đánh máy nên UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ thay đổi tư cách tham gia tố tụng từ người có nghĩa vụ liên quan sang nguyên đơn dân sự.

Luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chiến Thắng cho rằng theo quy định nếu xác định UBND tỉnh Khánh Hòa là nguyên đơn dân sự thì phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

“Các LS chỉ mới tiếp cận được đơn xin vắng mặt của đại diện Sở Tài chính nhưng chưa xác định được nguyên đơn dân sự có yêu cầu bồi thường gì không” - LS nói.

Do đó, LS đề nghị HĐXX xem xét việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh.

Cùng quan điểm trên, một số LS khác cũng đề nghị HĐXX xác định đúng tư cách của UBND tỉnh Khánh Hòa trong vụ án. Đồng thời, LS đề nghị tòa triệu tập UBND tỉnh với tư cách là nguyên đơn dân sự và phải có đơn yêu cầu bồi thường do đây là vấn đề liên quan đến việc thiệt hại và bồi thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới